Dân Việt

Thực trạng nhà báo tác nghiệp bị hành hung: Căn bệnh nhờn thuốc

22/06/2012 14:23 GMT+7
(Dân Việt) - Thời gian gần đây, tình trạng nhà báo bị hành hung xảy ra thường xuyên hơn, với mức độ nghiêm trọng hơn. Nhiều vụ việc bị “chìm xuồng” hoặc có nguy cơ “chìm xuồng” vì những lỗ hổng của pháp luật.

Chính bởi vậy, tình trạng cản trở nhà báo khi tác nghiệp vẫn đang ngày một diễn biến phức tạp, gây nhức nhối trong dư luận, như một căn bệnh đang nhờn thuốc.

Bị đánh nhiều, khởi tố được bao nhiêu?

Việc nhà báo bị hành hung với mức độ ngày càng trầm trọng hơn, đặc biệt một số vụ còn có sự tham gia của chính lực lượng công quyền địa phương. Như mới đây nhất, ngày 24.4, hai nhà báo Nguyễn Ngọc Năm và Hán Phi Long của Trung tâm Tin thuộc Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) trong lúc tác nghiệp đưa tin về vụ cưỡng chế tại xã Xuân Quan, Văn Giang (Hưng Yên) đã bị lực lượng tham gia cưỡng chế đánh đập dã man.

img
Nhà báo Nguyễn Ngọc Năm (trái) và nhà báo Hán Phi Long (VOV)

Vụ việc có nguy cơ “chìm xuồng” nếu như không có một clip do “một ai đó” bí mật ghi lại cảnh 2 nhà báo bị hành hung và đưa lên mạng. Tuy CA tỉnh Hưng Yên đã thừa nhận có sự việc hành hung nhà báo của lực lượng chức năng và hứa sớm tìm ra thủ phạm để xử lý nghiêm, nhưng cũng gần 2 tháng kể từ khi vụ việc xảy ra, lời hứa của những người có trách nhiệm trước công luận và cả 2 nạn nhân vẫn chỉ dừng ở... lời nói.

Cũng cần nhắc lại một vụ việc khác khá nghiêm trọng xảy ra cách đây hơn 2 năm làm rúng động làng báo. Ngày 6.1.2010, khi đang điều tra tình trạng buôn lậu gia cầm qua biên giới tại khu vực Kéo Kham (huyện Cao Lộc, Lạng Sơn), nhà báo Trần Thế Dũng của Báo Người Lao Động cũng đã bị hành hung tập thể khá dã man.

Sau đó, cơ quan chức năng xác định Phan Bình An là đối tượng đã chở nhà báo Thế Dũng đến trụ sở Công an thị trấn Đồng Đăng với lời lẽ thách thức. Tuy nhiên, sự việc cũng chỉ mới dừng lại ở đây, không có khởi tố bị can, thậm chí còn chẳng có khởi tố vụ án...

Được an ủi hơn cả, vào ngày 16.5 vừa qua, TAND TP.Vinh (Nghệ An) đã đưa ra xét xử 4 bị cáo gây ra vụ hành hung gây thương tích cho nhà báo Võ Thanh Mai (PV Báo Nông Nghiệp Việt Nam). Nhóm đối tượng này gồm: Nguyễn Anh Tú (24 tuổi), Võ Thanh Tuấn (25 tuổi), Lê Quốc Hùng (20 tuổi) và Trần Hoài Kỷ (33 tuổi), đều trú tại TP. Vinh, Nghệ An.

Sáng 30.5.2011, nhà báo Võ Thanh Mai đang đổ xăng tại một cây xăng trên đường Lê Hồng Phong (TP Vinh) thì bất ngờ bị 4 đối tượng này dùng kiếm chém trọng thương, gây thương tật vĩnh viễn 10%. Sau 2 ngày xét xử, TAND TP. Vinh đã tuyên phạt 4 đối tượng trên với tội danh “Cố ý gây thương tích” với các mức án nghiêm khắc.

Để nhà báo không đơn độc

Ông Phạm Quốc Toàn - Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, nhận định tại buổi buổi tọa đàm “Bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của nhà báo” do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức ngày 12.6 tại TP.HCM: Vấn đề bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của nhà báo cần được đặt ra nghiêm túc để các nhà báo không thấy đơn độc trên con đường tìm ra lẽ phải, bảo vệ cái đúng.

Theo ông Phạm Quốc Toàn, chỉ trong vòng 5 năm trở lại đây, đã có khoảng 40 vụ nhà báo bị hành hung và gần đây xảy ra 5 vụ nhà báo bị hành hung hoặc cản trở trong khi tác nghiệp. Ông Toàn nhắc đến một số vụ việc tiêu biểu như nhà báo Trần Thế Dũng (Báo Người Lao Động) bị hành hung ở Lạng Sơn, 2 nhà báo của Đài Tiếng nói VN bị hành hung ở Hưng Yên...

Phân tích nguyên nhân sâu xa, nhà báo Đinh Phong -nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, những vụ việc đã xảy ra cho thấy các đối tượng hành hung, ngăn cản nhà báo vì họ sợ báo chí đưa ra ánh sáng những sai phạm. Những đối tượng này nhiều lúc bất chấp thủ đoạn để bảo vệ quyền lợi của mình và đưa nhà báo vào vòng nguy hiểm.

Hay nói như ông Đào Văn Lừng - Vụ trưởng, Trưởng Cơ quan Thường trực Ban Tuyên giáo TƯ tại TP.HCM: “Những nhà báo bị cản trở, hành hung là do nhóm lợi ích sợ công khai hóa các sai phạm của họ”.

TS Lê Thành Dương - Viện trưởng Viện Thực hành Quyền công tố và Kiểm sát xét xử phúc thẩm cho rằng: “Khi một nhà báo tác nghiệp đúng pháp luật mà bị cản trở, hành hung, cơ quan bảo vệ pháp luật phải nhanh chóng vào cuộc, xử lý nghiêm và đúng pháp luật. Nếu không sẽ còn diễn ra nhiều vụ tương tự”.