Dân Việt

Lão nông vá xe đạp và ba sáng chế

21/12/2010 12:40 GMT+7
(Dân Việt) - Năm năm gần đây đã có ba phát minh sáng chế phục vụ sản xuất nông nghiệp ra đời từ đôi tay chai sần, lấm lem bùn đất của lão nông ấy. Ông là Văn Đức Quynh, 48 tuổi, ở xã Hải Phu, huyện Hải Lăng, Quảng Trị.
img
Ông Văn Đức Quynh bên máy đa năng- sản phẩm tham gia Hội chợ Nông nghiệp quốc tế Agro VN 2009.

Gia đình nghèo, ông Quynh chỉ học đến cấp 2 phải nghỉ ở nhà. “16 tuổi, ông mở quán vá xe đạp bên quốc lộ 1A để kiếm sống...”.

Từ thợ vá xe đạp...

Năm 20 tuổi, tôi kết duyên với người con gái cùng làng là Văn Thị Ánh Nguyệt. Lúc bấy giờ, hai vợ chồng chỉ có mỗi một sào đất sản xuất lúa một vụ. Không bằng cấp, không nghề nghiệp nên mùa này sang mùa khác, vợ tôi phải đi làm thuê, làm mướn”- ông Quynh kể.

Với những phát minh sáng chế phục vụ hữu ích cho nông nghiệp, ông Văn Đức Quynh vinh dự được công nhận là hội viên Hội Cơ khí nông nghiệp Việt Nam; được Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ NN&PTNT, Sở Khoa học -Công nghệ, UBND tỉnh Quảng Trị tặng bằng khen.

Khi hai đứa con lần lượt chào đời, cuộc sống của vợ chồng Quynh - Nguyệt vốn khó khăn lại càng túng quẫn hơn. "Ngày sửa xe đạp, đêm tôi đi lùng mua xe đạp cũ về tân trang lại để bán. Nhưng tiền kiếm được cũng chẳng là bao. Nhiều đêm con sốt nặng mà nhà không có dầu thắp, vợ chồng tôi phải đốt lốp xe hỏng thay đèn để ngồi chăm con. Hai mươi năm ròng như thế..."- ông Quynh nhớ lại.

Nghề sửa xe đạp kiếm sống vốn đã bữa đói bữa no, khi xe đạp điện, xe gắn máy càng phổ biến thì nhu cầu mua xe cũ lại càng ít. Cái nghèo, cái khó trong gia đình cứ tiếp tục bám riết. Suy nghĩ mãi, rồi ông Quynh quyết định khăn gói ra thành phố Đông Hà học nghề cơ khí ngắn hạn.

Nhà sáng chế tài năng

Thấy ở quê, mỗi năm bà con thu nhập hàng tấn ngô, sắn nhưng chỉ dùng sức người là chính nên rất vất vả, ông mày mò tìm cách chế tạo máy tách hạt ngô. Sau gần 2 năm thử đi thử lại, đến năm 2007, chiếc máy tách hạt ngô ra đời từ những mảnh sắt phế liệu và nhanh chóng được nông dân khắp nơi biết đến. Chiếc máy tách hạt ngô của ông đã được trao giải ba Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Quảng Trị năm đó.

Không dừng lại ở đây, năm 2008, ông Quynh cho ra đời chiếc máy đa năng cắt sắn, chuối, công suất 300kg/giờ. Năm 2009, ông tiếp tục sáng chế máy tách củ lạc, công suất 100kg/giờ. Sáng tạo của ông Quynh liên tục có mặt trong các hội chợ nông nghiệp VN.

Trăn trở quảng bá sản phẩm

Theo ông Quynh, để sáng chế thành công một sản phẩm phải mất khoảng vài năm. Và để người tiêu dùng biết đến sản phẩm ấy cũng phải qua 3 năm, bởi những nhà sáng chế làm ra sản phẩm phục vụ ND phải đơn độc trong việc quảng bá, phân phối.

Hầu hết sản phẩm của họ nếu được người tiêu dùng biết cũng chỉ trong phạm vi thôn, xóm, cùng lắm là ra ngoài xã. Bên cạnh đó, khó khăn nhất với nhưng nhà sáng chế nông dân là thiếu vốn, nên hạn chế trong việc sản xuất ra hàng loạt sản phẩm.

Còn khái niệm đăng ký bản quyền đối với những nhà sáng chế “chân đất” như ông Quynh là hết sức mù mờ.

"Bây giờ vì thiếu vốn nên lúc nào có người mua tui mới làm máy. Còn bản quyền thì hiện tại chưa có điều kiện mở rộng sản xuất nên tui chưa tìm hiểu làm hồ sơ. Nghe nói thời nay người ta quảng bá sản phẩm qua mạng Internet hay lắm, năm học tới vợ chồng tôi sẽ động viên đứa con gái đầu theo học ngành Công nghệ thông tin ở TP. Hồ Chí Minh, để sau này ra trường cháu giúp cho ba khâu quảng bá và tìm đầu ra cho sản phẩm"- ông Quynh chia sẻ…