Ngay sau khi nghe báo cáo, ông Bùi Sĩ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội đã nghi ngờ: “Báo cáo cho rằng có hơn 77.000 LĐ nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam là con số “có vấn đề”.
Một nhóm lao động Trung Quốc tại Dự án Alumin Nhân Cơ. |
Lý do ông Bùi Sĩ Lợi nghi ngờ là qua giám sát, có rất nhiều địa phương không quản lý, không biết được số LĐ nước ngoài trên địa bàn tỉnh mình. Đại biểu Trần Du Lịch - TP.HCM thì nói thẳng luôn: “Bộ công bố có 3,44% LĐ nước ngoài, tức là 2.649 người không đủ điều kiện cấp phép, tôi nghi ngờ con số này. Không biết Bộ LĐTBXH, Bộ Công an có đi kiểm tra trực tiếp hay không”.
ĐB Nguyễn Bá Thuyền cũng yêu cầu làm rõ vì sao không kiểm soát được LĐ nước ngoài. Một số ĐB khác lo ngại không quản lý được LĐ bất hợp pháp sẽ dẫn tới nhiều vấn đề xã hội, như LĐ mua đất, lấy vợ sinh con mà không có các ràng buộc pháp lý.
Trả lời các câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Thị Hải Chuyền khẳng định, có nhiều dạng lao động nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam như đi theo nhà thầu, đi du lịch và làm việc dưới 3 tháng, lao động kỳ nghỉ... Về quản lý thì theo Thông tư 36, Nghị định 46, Bộ LĐTBXH có trách nhiệm hướng dẫn các Sở LĐTBXH thực hiện đăng ký, cấp phép cho LĐ nước ngoài. Bộ đã làm đúng chức năng của mình: Thực hiện đăng ký cho LĐ đủ điều kiện...
Tuy nhiên bà Hải Chuyền cũng thừa nhận: “Riêng LĐ phổ thông thì quy định của ta còn có nhiều kẽ hở. Nếu tuyển làm việc dưới 3 tháng thì chủ sử dụng LĐ phải thông báo với Sở LĐTBXH trong vòng 7 ngày nhưng việc thực hiện chưa nghiêm.
Ngoài ra, chủ sử dụng trên 500 LĐ phải thông báo cho địa phương trong vòng 60 ngày để đăng thông tin tuyển dụng trên địa bàn, không tuyển được thì họ có quyền nhận LĐ phổ thông nước ngoài theo yêu cầu. Họ thường vin lý do công trường cần gấp LĐ nên lờ đi quy định này”.
Cũng theo bà Hải Chuyền, số liệu nói trên là do Bộ LĐTBXH tổng hợp từ các Sở, có kiểm tra thực tế tại một số khu vực. Tuy nhiên, để việc quản lý LĐ nước ngoài, nhất là LĐ phổ thông được chặt chẽ hơn, bà Hải Chuyền cho rằng nên sửa Thông tư 36 và sắp tới đây, Luật Lao động sửa đổi sẽ có thêm một phần về quản lý LĐ nước ngoài.
Về phía Bộ Công an, Thứ trưởng Tô Lâm cho biết, hình thức xử lý cao nhất hiện nay với LĐ không phép là trục xuất. Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm 2012, Việt Nam mới thực hiện trục xuất 256 LĐ trên tổng số hàng chục ngàn LĐ không phép.
Lê Huyền