Vào tháng 7 năm ngoái, các nhà vật lý của Tổ chức Nghiên cứu Nguyên tử châu Âu (CERN) thông báo họ đã tìm được một loại hạt có đặc tính giống hạt Higgs, loại hạt tạo ra khối lượng cho vật chất trong vũ trụ, nhờ cỗ máy gia tốc hạt lớn.
Giáo sư Peter Higgs. Ảnh: Guardian. |
Hạt Higgs giúp loài người giải thích tại sao các hạt cơ bản (như quark, lepton, boson) có khối lượng – một đặc tính cho phép chúng liên kết với nhau nhờ lực hấp dẫn để tạo nên các ngôi sao, hành tinh, nước, đá, khí. Nếu các hạt cơ bản không có khối lượng, chúng sẽ chuyển động hỗn độn trong vũ trụ với vận tốc ánh sáng và chẳng tạo nên bất kỳ dạng vật chất nào. Trong trường hợp đó vũ trụ sẽ là một khối hỗn loạn giống như bát súp.
Do tầm quan trọng của hạt Higgs đối với toàn bộ vũ trụ, người ta thường gọi nó là "hạt của Chúa". Nhưng giáo sư Peter Higgs, người đầu tiên công bố giả thuyết của nó, lại không thích tên "hạt của Chúa". Ông đưa ra hai lý do để giải thích quan điểm của ông, Telegraph đưa tin.
"Thứ nhất, tôi là người vô thần nên không tin sự tồn tại của Chúa. Thứ hai, cái tên đó chỉ là một câu nói đùa nên nó không phải là một cái tên hợp lý", ông nói.
Leon Lederman, một nhà vật lý từng nhận giải Nobel, và Dick Teresi, một nhà văn chuyên viết về khoa học giả tưởng, là những người đầu tiên sử dụng thuật ngữ "hạt của Chúa" trong một tác phẩm khá nổi tiếng của họ vào năm 1993. Higgs khẳng định ban đầu Lederman và Teresi sử dụng thuật ngữ "hạt của Chúa" để đùa cợt, nhưng về sau nó lại trở thành thuật ngữ phổ biến.
"Đó không phải là cái tên hài hước và có thể khiến người ta hiểu sai bản chất của hạt Higgs", giáo sư 83 tuổi bình luận.