Anh Trần Quang Chánh cùng làm việc với nhân viên tại nhà sơ chế rau. |
Tiền thân của HTX Phước An là tổ hợp tác Sao Việt, được thành lập từ sự hỗ trợ của ngành nông nghiệp TP.HCM với mong muốn thí điểm và nhân rộng sản xuất rau an toàn. Nhưng thời điểm 2002 – 2003, thị trường rau an toàn chưa có, cộng với năng lực quản lý, điều hành không tốt, nhiều lần người trồng rau độn rau xấu vào làm mất uy tín với đối tác, dẫn đến mất hợp đồng, Sao Việt chực chờ tan rã.
Vực dậy HTX sắp phá sản
Nhằm cứu lấy mô hình rau an toàn, UBND huyện Bình Chánh chuyển đổi và xây dựng Sao Việt thành HTX Phước An.
Nhưng sau một năm đi vào hoạt động, HTX vẫn không tìm được hướng kinh doanh, đầu ra dựa vào mỗi Công ty Vissan, theo cách HTX là người thu mua giúp và nhận hoa hồng 100 đồng/kg rau. Kết quả là kinh doanh ngày càng đi xuống, HTX lại lâm vào thế phải giải thể.
Trước tình hình đó, UBND huyện Bình Chánh giao trách nhiệm quản lý HTX cho anh Trần Quang Chánh với mục tiêu giữ sự tồn tại của HTX. Anh Chánh nhớ lại: “Lúc đó, tôi đang công tác tại Đảng ủy xã Bình Chánh, không biết gì nhiều về nông nghiệp, nhưng trước sự tín nhiệm của địa phương, tôi nhận lời và đặt hết tâm huyết vào nhiệm vụ mới”.
Anh Chánh nhận ra rằng, HTX muốn tồn tại và phát triển thì phải bằng thực lực nội tại, không thể dựa dẫm vào một công ty thực phẩm, phải tự tìm hướng kinh doanh riêng. Với suy nghĩ như vậy, anh Chánh thương thảo cắt hợp đồng với Vissan, một quyết định gây ngạc nhiên cho nhiều người.
Sau nhiều năm hoạt động èo uột, cơ sở vật chất của HTX chỉ là con số không: Không trụ sở, không xe tải, không nhà sơ chế vì vậy mới phải phụ thuộc vào Vissan. Anh Chánh cho biết: “Cần phải tạo một bộ mặt khác cho HTX, đó là cơ sở hạ tầng tươm tất, có xe chuyên dụng, nếu không, mình sẽ luôn ở thế bị chèn ép. Để có được điều ấy, tôi phải lấy tiền nhà đắp vào và huy động được một ít của xã viên”.
Thế nhưng lo lắng nhất của anh là phải xây dựng được vùng rau an toàn cho HTX, để lúc nào cũng có sản phẩm chủ động cung cấp cho thị trường. “Chỉ có một cách là HTX phải bao tiêu sản phẩm, nghĩa là nông dân chỉ cần gieo giống xuống là đã biết trong túi có bao nhiêu tiền thì họ mới nghe theo chủ nhiệm” - anh Chánh nói.
Cũng giống nhiều HTX hay trang trại, rau an toàn của Phước An cũng bán qua siêu thị, nhưng chủ nhiệm Trần Quang Chánh hiểu rất rõ, muốn tiêu thụ được, giá phải bình dân. Do đó, sản phẩm của HTX trước mắt chủ yếu là những loại rau phổ biến, như rau dền, rau muống, cải, mồng tơi vì dễ trồng, chi phí thấp, xoay vòng nhanh. Anh chủ trương, bước đầu gầy dựng lại HTX, phải bán xô sản phẩm nhằm hạn chế tối đa mọi chi phí để luôn có mức giá thấp nhất. Xác định được hướng đi chắc chắn có lãi, HTX nhanh chóng ổn định và tạo nên những bước nhảy vọt.
Hướng đến tiêu chuẩn VietGAP
Để vận động nông dân cùng HTX xây dựng vùng rau an toàn là cả một quá trình lâu dài và khó khăn. Làm thay đổi thói quen canh tác truyền thống sang phương pháp mới đòi hỏi sự nỗ lực và khéo léo của cả ban quản trị HTX. Trước hết, ban quản trị phải thay đổi cách nhìn.“HTX cần phải xem nông dân là trung tâm của mọi lợi ích, phần lợi nhuận của HTX chỉ được tính cuối cùng, khi đó việc điều hành, sản xuất sẽ dễ dàng” - anh Chánh tâm niệm.
Chủ nhiệm Chánh kể, bộ tiêu chí rau an toàn có đến 75 mục, nông dân thì trình độ có hạn, nhớ hết đã khó, giờ kêu làm cho đúng quy trình còn khó hơn. Sau khi xem xét, anh quyết định rút gọn bộ tiêu chí lại, tập trung vào những điểm chính mà nông dân cần phải tuân theo nhưng vẫn đảm bảo đúng chất lượng rau an toàn.
Anh lập ra một đội kỹ thuật bám sát cánh đồng rau để hỗ trợ kỹ thuật, theo dõi quy trình sản xuất... Những hộ nông dân nào gặp khó khăn về vốn thì ban quản trị ứng tiền trước mua phân bón, nguyên vật liệu để sản xuất. HTX còn đặt mối quan hệ với các nhà máy sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để tránh cho bà con mua phải hàng giả và lúc nào cũng có nguồn vật tư đúng chất lượng, giá hợp lý.
Hiện nay, HTX Phước An đã hướng xã viên và bà con nông dân trong vùng vào sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Việc chuyển hướng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đã có những hiệu ứng tích cực.
Minh Phương