Cơ sở xay xát gạo tại huyện Chợ Gạo (Tiền Giang). |
Nhiều thách thức
Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Văn Giàu cho biết, từ khi Chính phủ ban hành Quyết định số 67/1999/QĐ-TTg ngày 30-3-1999, chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn (NN- NT) đã tạo nên bước đột phá: Dư nợ cho vay đến nay đã đạt 358.000 tỷ đồng, tăng gấp 10,5 lần so với cuối năm 1998.
Cơ cấu tín dụng được cải thiện theo hướng tăng dần tỉ trọng đầu tư vốn trung và dài hạn đạt 42,2% trên tổng dư nợ cho vay NN- NT; nợ xấu được kiểm soát ở mức hợp lý (2,8% trên tổng dư nợ khu vực này). Nguồn vốn tín dụng ngân hàng đã góp phần tạo ra bước phát triển vượt bậc trong NN- NT.
Còn theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Diệp Kỉnh Tần, trong giai đoạn 2006-2010, giá trị gia tăng của ngành nông nghiệp đạt bình quân khoảng 3,4%/năm, vượt chỉ tiêu kế hoạch 5 năm Chính phủ đề ra 3-3,2%.
Tuy vậy, theo Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng, việc phát triển thị trường nông sản Việt Nam, còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Nông sản nước ta đang phải cạnh tranh quyết liệt đối với hàng nông sản của nước ngoài trên thị trường cả trong và ngoài nước.
"Đây là thách thức lớn nhất bởi nếu không tiếp cận được các thị trường tiêu thụ trực tiếp và xây dựng chiến lược sản phẩm thích hợp, thì Việt Nam có nguy cơ trở thành nước xuất khẩu nông sản thô, mức độ chế biến thấp sang các nước và nhập nông sản có hàm lượng chế biến cao" - Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhận định.
Theo các chuyên gia, nông nghiệp Việt Nam còn phải đối mặt với nhiều khó khăn như: Quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, công nghệ lạc hậu, bình quân diện tích đất trên một nông hộ còn rất thấp (khoảng 0,7- 1ha/hộ), năng suất, chất lượng sản phẩm thấp, khả năng hợp tác liên kết của nông dân còn rất yếu. Vì vậy muốn sản xuất với quy mô lớn, chất lượng đồng đều là rất khó, giá thành sản xuất cao.
Hướng đi nào?
Tại hội thảo, các chuyên gia kinh tế nhận định, hệ thống chính sách hiện chưa đủ mạnh để khuyến khích và chưa đủ sức hấp dẫn để tăng dòng vốn đầu tư của xã hội cho phát triển NN-NT.
Do vậy, TS Nguyễn Minh Phong (Viện Nghiên cứu KT-XH Hà Nội) cho rằng, cần có hệ thống chính sách mạnh hơn để thu hút các nguồn vốn xã hội đầu tư cho khu vực NN-NT, trong đó cần chú ý tăng cường vai trò của Chính phủ trong các hoạt động tín dụng nông thôn. Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu cho biết, sự ra đời của Nghị định 41 ngày 12-4-2010 đã tháo gỡ nhiều bất cập, tồn tại hiện nay trong cơ chế tín dụng nông thôn.
Đối tượng tham gia hoạt động tín dụng NN- NT đa dạng hơn. Thông qua các công cụ chính sách và nguồn vốn huy động từ nhiều nguồn khác nhau, nhà nước sẽ tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng giảm lãi suất huy động đầu vào và khuyến khích cho vay người nông dân ở mức lãi suất phù hợp. Đặc biệt, mức cho vay không có bảo đảm bằng tài sản của cá nhân, hộ gia đình, hộ kinh doanh, HTX, chủ trang trại đã được nâng lên phù hợp với nhu cầu thực tế.
Cần những "quả đấm mạnh"
Về giải pháp cụ thể, TS Trần Du Lịch - thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia cho rằng: "Một nền nông nghiệp chỉ mang lại sự giàu có khi được gắn kết với ngành công nghiệp chế biến nâng cao giá trị gia tăng". Do đó, cần phải tiến hành nghiên cứu xây dựng "các cụm sản xuất nông nghiệp" bao gồm tất cả công đoạn của chuỗi giá trị trên.
Đồng tình với quan điểm này, TS Đặng Kim Sơn - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển NN-NT nói phải xây dựng cụm công nghiệp nông nghiệp mới tạo ra những "quả đấm mạnh", sản xuất được các mặt hàng chiến lược. Sản xuất phải kết nối nông thôn - đô thị; nông nghiệp - thị trường, bằng cách xây dựng DN đô thị, DN nông thôn, tổ chức hợp tác của nông dân.
Hải Khang