Dân Việt

3.000 người trong cơn khát cháy

09/07/2010 10:51 GMT+7
(Dân Việt) - Đợt nắng nóng nhất trong lịch sử này không chỉ đốt cháy số diện tích lúa ít ỏi của xã cồn bãi Quảng Hải, Quảng Trạch, Quảng Bình mà còn khiến 600 hộ dân rơi vào cảnh khốn cùng vì thiếu nước sinh hoạt.
img
 

Khát cháy cổ người

Về Quảng Hải những ngày nắng nóng khủng khiếp này mới chứng kiến được cái cảnh hạn hán khốc liệt và thấm thía nỗi khốn cùng của người dân vùng đất cồn bãi này. Đích thân Chủ tịch UBND xã Quảng Hải Đoàn Xuân Thiện dẫn chúng tôi đi một vòng quanh xã.

Dù đã quen với khí hậu nắng cháy ở miền gió cát Quảng Bình, thế nhưng, ở Quảng Hải, giữa cơn khô hạn, tôi vẫn thấy kinh hoàng. Nắng, hơi nóng như đóng cục, cuồn cuộn táp vào mặt bỏng rát.

Từ bao đời nay đã vậy, đất ở Quảng Hải không thể đào và khoan được giếng do bị nhiễm mặn bởi dòng nước sông Gianh. Người dân Quảng Hải chỉ có cách dùng chum hứng nước mưa mà uống.

Ông Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch Hội Nông dân xã Quảng Hải cho biết: “Năm trước Dự án nước sạch nông thôn tỉnh có đầu tư một công trình nước sạch ở địa phương.

img Nắng chi mà dữ rứa không biết. Đối với Quảng Hải, khô hạn là chuyện bình thường nhưng chưa năm mô khốc liệt như năm ni cả... img

Một người dân Quảng Hải ngao ngán thốt lên

Dự án làm cho mỗi gia đình một cái bể đựng nước mưa, nhưng năm nào cũng vậy, mới ra giêng đã hết nước, đến thời điểm này chẳng nhà nào “bói” ra một giọt nước mưa”.

Theo anh Hùng, hết nước mưa, nguồn nước sinh hoạt của người dân Quảng Hải là các ao hồ trong xã. Vẫn biết nguồn nước đó chứa nhiều hiểm hoạ bởi chẳng thể đảm bảo vệ sinh, nhưng không còn cách nào khác để giải toả cơn khát. Thế nhưng năm nay nắng nóng thiêu đốt nên đến thời điểm này hai hồ chứa nước của làng đã xuống mức chết.

Hồ Hói Mướp, Hói Đuồi chỉ còn cách đáy hai gang tay, nước quện cả vào bùn đục ngầu. Cả làng duy nhất còn hồ Tân Lý nhưng cũng đã mặn chát vì nhiễm nước từ sông Gianh, chỉ dùng cho đàn gia súc uống. “May nhờ hồ này còn nước, không thì cả đàn gia súc ở Quảng Hải cũng chết khát” – anh Hùng than vãn.

Trong cơn khát cháy bỏng này, nước ngọt ở Quảng Hải được ví như vàng. Người dân chỉ dám dùng nước ngọt để nấu ăn và uống, mọi sinh hoạt khác như tắm, giặt đều phải dùng nước sông.

Hơn 600 hộ dân với 3.000 nhân khẩu của xã Quảng Hải sống chủ yếu bằng nghề nông. Thu nhập bình quân đầu người chưa tới 250.000 đồng/tháng, thế nhưng ở thời điểm này họ phải chắt chiu từng đồng, “bóp mồm bóp miệng” mua nước ngọt. Nước ngọt được các thuyền buôn chở từ nơi khác đến (bà con hầu như không ai biết nguồn gốc, chất lượng của nước) bán với giá cắt cổ 50.000 đồng/m3.

Chúng tôi vào nhà bà Phạm Thị Quế ở đầu thôn Vân Lôi. Bà Quế đang cẩn thận múc nước từ cái chum lớn đổ ra thau để nấu bữa cơm chiều. Thấy chúng tôi, bà Quế than thở: “Nhà tui 4 người, mới mua 2m3 tuần trước chừ đã sắp hết rồi, người thì không dám dùng nhưng nắng nóng quá nước bốc hơi hết. Dân nghèo, lúa ngô chết cháy hết, giờ đến nước cũng phải mua thì khổ sở quá chú ơi!”.

Chắp tay van lạy ông trời

Không còn là dự báo nữa, nắng nóng đang đẩy người dân Quảng Hải đến một mùa vụ thất bát. “Ở nơi khác bà con nông dân còn cố công “còn nước còn tát” cứu lúa chứ ở xã tui thì chịu. Nguồn nước duy nhất là đường ống vượt sông Gianh mà hạn hán như ri, nước ở hồ Tiên Lang đã cạn kiệt rồi, nước mô mà về nổi. Người dân Quảng Hải chỉ còn cách là lạy ông trời cho mưa xuống thôi!” - Chủ tịch UBND xã Quảng Hải Đoàn Xuân Thiện ngán ngẩm.

Theo ông Thiện, lúa chết đã đành nhưng điều ông lo lắng nhất là đàn gia súc của xã, đặc biệt là đàn bò cày cũng đang đứng trước nguy cơ chết đói, chết khát do rau màu khô héo, nguồn thức ăn, nước uống đang từng ngày cạn kiệt. Cũng theo vị chủ tịch xã này, nếu trời chẳng thương, cứ tiếp tục… thử thách sức chịu đựng của muôn loài thì chỉ vài ngày nữa thôi, đàn gia súc của xã ông cũng lìa xa trần thế.

Ở Quảng Hải thời điểm này bứt được một bó cỏ cho trâu bò còn khó hơn mò kim đáy biển. Để cứu đàn gia súc, người dân Quảng Hải phải đi xa hàng chục km để bứt cỏ về cho bò ăn. Đó là hành trình chẳng dễ dàng gì bởi các xã ở quanh đó cũng đang lâm vào tình trạng “nắng cháy da trần”.

Nước ngọt, đó là điều mong muốn đến cháy bỏng của người dân Quảng Hải lúc này.