Nông dân (trái) và các chuyên gia trao đổi kinh nghiệm thân. |
“Áp đảo” chuyên gia
Anh Trần Thanh Tuấn ở xã An Nhơn, Châu Thành, Đồng Tháp hỏi: “Quy trình xử lý bệnh chổi rồng thực nghiệm trên vườn dân đã cho kết quả như thế nào?”. Thạc sĩ Trần Thị Mỹ Hạnh - Viện Cây ăn quả miền Nam, cho biết: “Hiện tại, nhiều xã đã áp dụng theo trình tự các bước điều trị, sẽ diệt được bệnh chổi rồng. Tỷ lệ thành công trên 80% nếu bà con nông dân làm theo đúng chu trình”.
Thắc mắc về bệnh ruồi đục thân cây ăn trái của anh Nguyễn Văn Sang được kỹ sư Võ Hùng Chí - Công ty Thuốc sát trùng Cần Thơ, giải đáp: “Loại thuốc Sofri Protein có mùi ngọt, thơm, để nhử ruồi. Khi sử dụng, bà con hòa với nước, xịt một “đốm” trên một chỏm cây. Nếu xịt lên toàn bộ cây thì vừa lãng phí lại không hiệu quả. Thời gian xịt tốt nhất là buổi sáng, vì thời điểm này, ruồi bắt cặp rất nhiều”.
Thế nhưng dưới góc độ nông sản an toàn, anh Đỗ Thanh Long lại phân vân: “Phun thuốc này trúng trái, người mua ăn có trúng độc không?”. Ông Hùng chia sẻ: “Bất kỳ loại thuốc bảo vệ thực vật nào cũng có chứa một lượng độc. Người trồng sau khi phun xịt thuốc không nên cắt bán ngay mà phải để thêm một khoảng thời gian”.
Nông dân năng động
Bắt đầu sự nghiệp chỉ với 40 kg lúa, ông Nguyễn Thành Công nay đã là chủ trại sản xuất nông nghiệp lớn ở Đồng Tháp. Từ việc nhổ, dặm lúa vừa vất vả, tốn thời gian mà hiệu quả không cao nên ông Công đã nghĩ đến việc gieo mạ sân. Ông Công chia sẻ: “Khu vực miền Tây nổi tiếng nhiều xơ dừa. Nông dân tận dụng bột xơ dừa, bùn đáy ao… để trồng mạ sân vừa giảm chi phí công lao động, lại tăng năng suất sản lượng”.
Một bác nông dân có 2ha ruộng, hỏi: “Tôi muốn thuê cấy mạ sân thì giá 1ha là bao nhiêu?” Ông Công thành thật: “Nếu anh ở nơi đường đi thuận tiện thì mỗi ha lấy giá 4,1 triệu đồng. Tôi sẽ cho người vận chuyển đến tận nơi. Đối với những người ở quá xa, cộng chi phí xe cộ, tôi sợ bà con kham không nổi”.
Về mô hình rau an toàn, ông Phạm Văn Hùng - Chủ nhiệm HTX rau Phước Lợi, Vĩnh Long, cho biết: “Rau sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, cũng có phun thuốc, bón phân nhưng đảm bảo quy định phun thuốc sau 10 ngày mới thu hoạch. Ngoài ra, chúng tôi còn trồng xen các loại cây đối kháng với nhau để hạn chế sâu bệnh, như hành trồng xen với ngò”.
Từ kinh nghiệm trồng rau nhiều năm, ông Hùng bộc bạch: “Người sản xuất rau phải đảm bảo rau không có kim loại độc hại, không có vi khuẩn ecoli, tưới bằng nguồn nước sạch”. Việc hợp tác, liên kết giữa các hộ nông dân sẽ đem lại hiệu quả cao hơn. Làm theo nhóm, tập thể, nhà nước cũng dễ dàng hỗ trợ. Nếu làm theo hình thức nhỏ, lẻ, manh mún sẽ không tập trung, khó tiêu thụ sản phẩm.
Hiếu Mỹ- Giang Thùy