Dân Việt

Sẽ lấp hàng ngàn giếng nhiễm thạch tín

12/07/2010 04:44 GMT+7
(Dân Việt) - Thông tin hàng ngàn giếng nước ở An Giang bị nhiễm asen - chất thạch tín, một chất độc gây ung thư - đã làm người dân ở đây rúng động.
 img
Một trong rất nhiều giếng khoan bị nhiễm asen

Bất ngờ từ tóc một em bé

Theo thông tin từ Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh An Giang, từ tháng 4 đến tháng 5 - 2010, Trường Đại học Tổng hợp quốc gia Hàn Quốc phối hợp với Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh An Giang kiểm tra ngẫu nhiên mẫu tóc trên một bé gái 7 tuổi ngụ huyện An Phú, An Giang có sử dụng nước giếng.

Kết quả cho thấy hàm lượng thạch tín trong tóc em bé cao gấp 17 lần so với mức cho phép của thế giới. Bé tiếp xúc với nước khoảng 5 năm đã nhiễm đến vậy, người lớn có thể nghiêm trọng hơn.

Ông Trần Anh Thư - Phó Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh An Giang cho biết: Kết quả khảo sát huyện An Phú có 914 giếng nhiễm asen, Chợ Mới có 242 giếng nhiễm, Phú Tân có 406 giếng bị nhiễm, Tân Châu có 119 giếng nhiễm asen.

Trước đó, năm 2005, Viện Vệ sinh Y tế công cộng công bố An Giang nhiễm asen cao nhất, kế đến là Đồng Tháp, Long An, Kiên Giang. Tại Hội nghị khoa học công nghệ tổ chức năm 2009 tại Đại học Cần Thơ, các nhà khoa học cảnh báo, trong tổng số 2.966 mẫu nghiên cứu ở An Giang, có 40% số giếng nhiễm asen trên 50ppb (50microgam/lít), 16% nhiễm dưới 50ppb.

Trong khi theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới, dư lượng asen 10 microgam/lít là nguy hiểm, không được uống.

Theo ông Thư, các nghiên cứu khoa học cho thấy người dân bị nhiễm asen tích tụ trong thời gian dài độc tố ngấm sâu gây mệt mỏi, buồn nôn, hồng cầu, bạch cầu giảm. Hai loại bệnh phổ biến do asen gây ra là ung thư da và phổi, thậm chí bị hội chứng xạm da, sừng hóa bẩm sinh gan bàn chân. Nếu uống nước có nồng độ asen cao sẽ bị ngộ độc cấp tính.

 img
Nạn nhân nhiễm asen mạn tính.

Lấp giếng nhiễm asen

img Nước giếng có độc à! Sao tụi tôi xài lâu quá mà có thấy bị bệnh gì đâu... img

Ông Nguyễn Văn Thế, 45 tuổi, xã Khánh Bình, huyện An Phú, An Giang

Ông Thư cho biết, trong năm 2010-2012 sẽ lấp hết các giếng nhiễm asen, trước mắt là lấp bỏ các giếng người dân dùng nước này nấu nướng. Các hộ bị lấp giếng sẽ sử dụng nước sinh hoạt do Trường Đại học Tổng hợp quốc gia Hàn Quốc phối hợp với An Giang lắp đặt hệ thống xử lý nước bằng công nghệ nano. Đây là công nghệ phù hợp với quy mô hộ gia đình (công suất 1 lít nước/phút) có khả năng xử lý asen trong nước.

Theo ông Thư, các giếng ô nhiễm là giếng khoan tầng nông, ở độ sâu 20-60m là nơi asen hoạt động cực mạnh. Hiện trên địa bàn tỉnh có 11 cơ sở nhỏ khoan giếng tự do và 3 cơ sở lớn, Sở tiến hành tập huấn 11 cơ sở nhỏ sau đó cấp giấy phép hoạt động. Các hộ dân khi đào giếng mới phải làm hồ sơ xin phép, ai làm chui bị lấp giếng, chịu phạt tiền.

Khi khoan giếng nên kiểm nghiệm nếu mẫu nước không đạt chất lượng yêu cầu đơn vị phải khoan lại. Các giếng nước phải khoan ở độ sâu hơn 100m, phải xử lý kỹ thuật, nếu không chất asen vẫn thấm lậu chảy vào giếng.

Ông Ngô Trọng Lâu - Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn An Giang cho biết thêm, các huyện nằm giữa sông Tiền và sông Hậu bị nhiễm asen nhiều nhất.

Gần đây, một số hộ dân các huyện An Giang tính tới chuyện khoan giếng hay sử dụng nước trong các giếng khoan tưới hoa màu, nuôi thủy sản. Sở Tài Nguyên và Môi trường An Giang đã nghiêm cấm và ngăn chặn việc làm mới các giếng khoan vì khi tưới nước nhiễm asen, hoa màu hấp thu chất asen nên rau sạch biến thành rau độc ăn rất nguy hại đến sức khỏe con người.