Dân Việt

Trách nhiệm lòng vòng, dân long đong

Mai Hương 18/10/2013 07:09 GMT+7
Tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII tới đây, một trong những nội dung sẽ được Quốc hội xem xét, thảo luận là báo cáo tình hình rà soát quy hoạch tổng thể về thủy điện.
Một trong những nội dung gây nhiều bức xúc cho cả đại biểu Quốc hội lẫn cử tri cả nước là tình trạng các thủy điện xả lũ gây hại lớn cho người dân mà vẫn không quy được trách nhiệm.

Chỉ có dân chịu thiệt

Chỉ từ tháng 9 đến nay, trên địa bàn cả nước đã liên tiếp xảy ra các sự cố vỡ đập, thủy điện xả lũ gây hại. Ngày 29.9, kênh dẫn dòng Thủy điện Sêrêpốk 4A thuộc Công ty cổ phần Thủy điện Buôn Đôn, Đăk Lăk đã vỡ hai bên, cuốn trôi hàng chục hécta lúa và hoa màu của người dân. Tiếp đó là sự cố vỡ 4 hồ đập tại huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) làm cuộc sống và sản xuất của hàng nghìn hộ dân bị ảnh hưởng. Cũng trong tháng 10, đập Thủy điện Đăk Mi 4 đồng loạt mở 5 cửa xả lũ, đổ nước về sông Đăk Mi – thượng nguồn sông Vu Gia gây lũ đột ngột khiến nhà cửa của dân bị ngập, tài sản bị lũ cuốn mất trắng...

Việc xả lũ của nhiều thủy điện đã gây thiệt hại lớn cho người dân.
Việc xả lũ của nhiều thủy điện đã gây thiệt hại lớn cho người dân.

Điều đáng nói là trong các vụ vỡ đập, thủy điện xả lũ này chỉ có người dân là chịu thiệt, còn trách nhiệm của các bên liên quan và đền bù thiệt hại cho người dân thì đã bị bỏ lơ. Hiện cả nước đang có xấp xỉ 7.000 hồ chứa, trong đó những hồ chứa lớn thuộc quyền điều hành của liên bộ như Bộ TNMT, Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng hoặc chịu sự điều hành của địa phương. Còn những hồ chứa nhỏ hơn đang giao cho chủ đầu tư tự điều tiết.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cũng cho rằng: Việc quản lý chất lượng công trình thủy điện hiện nay hầu như được giao cho chủ đầu tư thực hiện và tự chịu trách nhiệm, thiếu sự kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước. Hậu quả là tại một số dự án, công trình thủy điện, chất lượng khâu khảo sát, thiết kế, thi công, giám sát có nhiều hạn chế, gây không ít hệ lụy tiêu cực. Trong khi đó, trách nhiệm, xử lý sai phạm của chủ đầu tư, các chủ thể khác có liên quan khi công trình có chất lượng kém hoặc để xảy ra sự cố chưa được quy định cụ thể.

Làm rõ trách nhiệm liên quan

Thực tế, nguyên nhân dẫn đến hàng loạt hồ đập thủy điện bị vỡ trong thời gian qua đã được các cơ quan chức năng thừa nhận là do công tác quản lý đầu tư xây dựng và quản lý an toàn đập thủy điện, thủy lợi vẫn còn nhiều tồn tại. Đó là các chủ đầu tư chưa tuân thủ các quy định về quản lý chất lượng công trình đập, quản lý vận hành đập và phương án phòng, chống lũ, lụt cho vùng hạ du. Trong khi đó, việc quy trách nhiệm lại chưa rõ ràng.

Theo đại diện Bộ Công Thương, trong quản lý an toàn đập thủy điện đến nay vẫn chưa phân định rõ thẩm quyền và trách nhiệm của Bộ Công Thương, UBND các tỉnh, thành trong việc phê duyệt phương án phòng chống lụt bão.


Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng thừa nhận: Đối với các nhà máy có công suất nhỏ hơn 30 MW, một số chủ đập chưa thực hiện đầy đủ quy định về quản lý an toàn đập. Có 34 đập chưa thực hiện kiểm định, tính toán dòng chảy lũ, khả năng xả lũ của hồ chứa dù đã quá kỳ kiểm định. 76 đập chưa xây dựng phương án bảo vệ đập, 62 đập chưa có phương án phòng chống lụt bảo đảm an toàn đập. “Các hồ đập thủy điện cũng đã bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế, nhất là đối với các thủy điện vừa và nhỏ. Mặc dù đã có những cảnh báo, những sự cố vỡ đập xảy ra song nhiều chủ đập thủy điện nhỏ vẫn còn chủ quan, thực hiện các quy định để đảm bảo an toàn cho hồ đập còn hình thức, chiếu lệ. Công tác kiểm tra, xử phạt của các cơ quan chức năng tại địa phương còn hạn chế” – Bộ trưởng Hoàng nêu rõ.

Theo Bộ trưởng Hoàng, công tác quản lý an toàn tại các công trình thủy điện nhỏ cũng chưa thực sự tuân thủ nghiêm ngặt theo quy định của pháp luật, tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường. Gần 30% số đập thủy điện nhóm này chưa được kiểm định; chỉ 6% số chủ đầu tư hoàn thành cắm mốc chỉ giới; khoảng 66% đập chưa có phương án bảo vệ được phê duyệt; gần 55% số chủ đập chưa có phương án phòng chống lụt bão...

ông nguyễn đình xuân - Giám đốc VQG Lò Gò- Xa Mát (Tây Ninh):Quy rõ trách nhiệm

Để xảy ra tình trạng ngập lụt có liên quan đến xả lũ ở hồ chứa, nếu có sai sót thì đó là trách nhiệm của Bộ Công Thương, với tư cách là bộ quản lý chuyên ngành đối với các công trình thủy điện. Phải quy trách nhiệm cho “tư lệnh” lĩnh vực. Ngoài ra, chuyện quản lý rừng, nguồn nước còn liên quan 2 bộ nữa là Bộ NNPTNT với vai trò là cơ quan thường trực phòng chống bão lụt ở nước ta và cũng là cơ quan quản lý rừng; Bộ TNMT với vai trò là cơ quan quản lý nguồn nước và thẩm định, đánh giá tác động môi trường đối với các dự án.

ĐBQH Bùi Thị An (Hà Nội): Đền bù thỏa đáng cho dân

Những thiệt hại mà người dân đang gánh chịu là rất lớn. Có những thiệt hại không thể đền bù được bằng tiền. Rõ ràng một phần cũng là do lỗi thiết kế dẫn tới chuyện xả lũ đột ngột làm hại dân. Khi để xảy ra xả lũ, các chủ đầu tư thủy điện phải có đền bù thỏa đáng cho người dân. Ngoài ra, họ cần phải nghiêm túc xem lại, khắc phục những nhược điểm trong thiết kế.
ông nghiêm vũ khải - Nguyên

Thứ trưởng Bộ KHoa học- công Nghệ:Phải điều chỉnh hợp lý hơn

Trong lập dự án thủy điện thì chủ đầu tư phải có báo cáo thẩm định, đánh giá tác động môi trường, trong đó có nội dung về cắt lũ, xả lũ của hồ chứa. Có thể các cơ quan nhà nước, cơ quan chức năng ở địa phương chưa làm hết chức trách trong việc thẩm định báo cáo của chủ đầu tư. Bây giờ, nếu có vấn đề bất hợp lý thì phải chấn chỉnh lại. Hiện nay, nếu quá trình vận hành các hồ chưa hợp lý thì phải điều chỉnh để phù hợp hơn.

Hải Phong (ghi)