Dân Việt

Mất nhà ra con nợ

12/07/2010 05:08 GMT+7
(Dân Việt) - Kể từ khi dự án đường ĐT 477 chạy qua địa phận xã Ninh Nhất, TP. Ninh Bình được triển khai, hàng chục hộ dân ở đây bỗng dưng thành không nhà không cửa, nợ nần chồng chất và vô kế sinh nhai.
 img
Đại gia đình nhà ông Dần lo lắng về những khoản nợ khổng lồ tại nơi ở mới.

Cả đại gia đình cùng trở thành con nợ

Chạy dọc Quốc lộ 1, cách TP.Ninh Bình 5km, chúng tôi rẽ vào vùng đất cố đô với những di tích lịch sử văn hiến một thời. Ở đây chúng tôi đã gặp những số phận trớ trêu của nhiều hộ gia đình vừa hứng chịu cơn bão giải phóng mặt bằng của dự án đường ĐT477 đi qua.

Trò chuyện với chúng tôi, chị Đặng Thị Lan Phương ở đội 3 thôn Thượng Kỳ Vĩ, xã Ninh Nhất rưng rưng nước mắt: "Vợ chồng tôi mới lấy nhau được 5 năm, được bố mẹ chia cho 92m2 đất ở. Khi thành phố giải phóng mặt bằng để triển khai dự án, chúng tôi được bồi thường 57 triệu đồng và được mua ưu đãi một mảnh đất tái định cư gần đó với giá 70 triệu đồng. Chỉ riêng mua lại đất, vợ chồng tôi đã phải chạy vạy vay mượn thêm 13 triệu đồng. Đến nay vẫn chưa biết kiếm đâu ra tiền để xây nhà trên đất mới. Ruộng không còn nữa, vợ chồng tôi giờ chỉ còn biết đi làm thuê kiếm tiền trả nợ và nuôi con".

Ngoài gia đình chị Phương, gia đình ông Nguyễn Văn Dần - bố chồng chị - và 4 anh em ruột của chồng chị cũng cùng chung số phận.

Chị Lê Thị Chích ở cùng khu đất nhà chị Phương chia sẻ: "Gia đình tôi cũng có 250m2 đất ở và đất vườn bị thu hồi. Chúng tôi được bồi thường 140 triệu đồng và được mua một mảnh đất tái định cư với giá 70 triệu đồng. Với số tiền còn lại, tôi phải đi vay lãi thêm 90 triệu đồng thì mới đủ để xây một ngôi nhà có 5 phòng chạy dài để vừa ở vừa cho thuê mong có nguồn thu nhập để sống khi không còn đồng ruộng. Hiện tại vợ chồng tôi đang phải lăn lộn làm đủ các việc lặt vặt để nuôi 2 con nhỏ và trả lãi tiền vay 180 nghìn đồng mỗi tháng".

Cũng theo chị Chích, ông Nguyễn Văn Dần bố chồng chị có hơn 700m2 đất bị thu hồi. Tính tất cả giá trị tài sản trên đất, ông Dần được bồi thường 137,5 triệu đồng. Sau khi mua một mảnh đất tái định cư giá 70 triệu đồng, hiện tại ông bà phải đi ở nhờ nhà vợ ở xã Ninh Mỹ vì chưa biết xoay đâu ra tiền để xây nhà. Chị Chích cho biết diện tích đất mà 5 hộ gia đình nhà chị đang sinh sống là do bố chồng chị được lò vôi liên hoàn xã Ninh Xuân phân cho từ năm 1980. Đại gia đình nhà ông Dần đã sinh sống tại đây 30 năm và chưa bao giờ xảy ra tranh chấp.

Cùng chung cảnh ngộ với đại gia đình nhà ông Dần là 2 hộ thuộc gia đình bà Nguyễn Thị Khu cũng ở đội 3 thôn Kỳ Vỹ. Gia đình bà Khu có 1.311,1m2 đất các loại bị thu hồi và được bồi thường cả giá trị tài sản trên đất là 201,4 triệu đồng. Sau khi mua một mảnh đất tái định cư trị giá 70 triệu đồng và chia của hồi môn cho con gái, bà Khu phải đi vay 100 triệu đồng để dựng lại một nếp nhà mới.

Hiện tại, mỗi tháng bà phải trả 2 triệu tiền lãi cho chủ nợ. Công việc nấu cơm thuê của bà cho một công trường gần đó chỉ đem lại thu nhập 1,5 triệu/tháng nên nợ nần ngày càng chồng chất. Con trai bà là anh Đàm Tiến Mạnh bị tai nạn ô tô nằm một chỗ, vợ anh là chị Lê Thị Cúc cũng phải bỏ nghề làm ruộng đi rửa bát thuê trên thành phố để nuôi 2 con ăn học và trang trải hơn 100 triệu tiền nợ nần khi xây dựng ngôi nhà mới.

Lối thoát nào cho những gánh nặng 2 vai

img UBND xã và UBND thành phố đã trình lãnh đạo tỉnh Ninh Bình xem xét để điều chỉnh lại cho người dân đỡ thiệt thòi. img

- Ông Nguyễn Văn Cao

Trước tình cảnh trớ trêu như thế, những người dân ở các thôn có dự án đi qua đều cho rằng mức giá đền bù mà Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng TP. Ninh Bình trả cho họ là quá thấp.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Cao - Chủ tịch UBND xã Ninh Nhất, TP.Ninh Bình - cho biết: "Đúng là có một số hạng mục đền bù mà Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng thành phố đưa ra là quá thấp so với giá thị trường hiện tại. UBND xã và UBND thành phố đã trình lãnh đạo tỉnh Ninh Bình xem xét để điều chỉnh lại cho người dân đỡ thiệt thòi".

Ông Cao cho biết thêm: "Cách đây mấy chục năm, nhiều gia đình trong xã vì quá nghèo, không có đất ở nên kéo nhau ra rìa đê dựng lều ở tạm. Từ đó đến nay, người dân cứ sống ổn định nhiều thế hệ ở đó cho đến khi có dự án chạy qua. Đất này chiếm khoảng 1/3 diện tích đất ở đã được bồi thường và được liệt vào diện đất lấn chiếm nên giá đền bù không cao. Hiện tại, UBND xã cũng đang rà soát hoàn cảnh từng hộ để hỗ trợ tiền cho các hộ nghèo và cận nghèo có điều kiện xây nhà mới".

Về việc chuyển đổi cơ cấu ngành nghề cho người nông dân mất ruộng, ông Cao cho biết: "UBND xã đang gấp rút đào tạo các lớp dạy nghề cho người dân như nghề khâu chăn, nghề nuôi dế… Doanh nghiệp Xuân Thành trên địa bàn xã cũng đã tạo điều kiện cho 12 thanh niên đi học nghề và vào làm việc tại công ty xi măng".

Cùng vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tỉnh - Chủ tịch UBND TP.Ninh Bình khẳng định: "Đối với con em những hộ dân mất 100% đất nông nghiệp, nếu có bằng Đại học, Cao đẳng thì sẽ được nhận vào làm tại UBND các xã, trả lương bằng ngân sách thành phố. Với những người không có bằng cấp và vẫn đang trong độ tuổi lao động thì sẽ triển khai đề án nuôi dế và thành phố sẽ hỗ trợ 100% vốn ban đầu...".

Với những nỗ lực của chính quyền các cấp, có thể những người nông dân ở Ninh Nhất không phải lo lắng về kế sinh nhai, thế nhưng những khoản nợ chất chồng từ những ngôi nhà mới thì chắc chắn không phải ngày một ngày hai mà giảm đi gánh nặng.