Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT muốn học nghề may công nghiệp khá cao. |
Ông Nguyễn Văn Chế - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trước mỗi năm học, nhà trường đều có những khảo sát nghề trong nông dân, đặc biệt là tại những khu vực nông thôn đã, đang và sẽ bị lấy đất làm khu công nghiệp. Từ đó, trường tiến hành đào tạo nghề nghiệp mới cho cả học sinh THPT vừa tốt nghiệp và nông dân mất đất.
Theo ông Chế, khảo sát năm 2010 của trường cho thấy, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT muốn học nghề hệ trung cấp và sơ cấp khá cao, tập trung vào các nghề như kế toán doanh nghiệp (20%), may công nghiệp (11%); hàn (7%). 60% nông dân mất đất cho các khu công nghiệp cũng muốn học nghề may, hàn, chăn nuôi thú y để chuyển đổi công việc”.
“Tuy nhiên, những ngành nghề này phải gắn với nhu cầu của doanh nghiệp trên địa bàn để người học ra trường có việc làm ngay. Từ suy nghĩ đó, chúng tôi đã bắt tay với nhiều doanh nghiệp ở các khu công nghiệp”. Mới đây nhất, nhà trường ký hợp đồng đào tạo lao động cho Công ty TNHH Quang Hưng, một doanh nghiệp chuyên gia công may màn xuất khẩu.
Bà Lê Thị Lượng - Giám đốc Công ty TNHH Quang Hưng bày tỏ: “Việc gắn kết giữa đào tạo nghề như vậy tôi thấy 3 bên cùng có lợi: Quan trọng nhất là lao động học xong có việc làm ổn định, lương đủ sống chứ không chỉ vừa học vừa làm như trước kia”. Sự liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp đảm bảo lao động mới được đào tạo, nâng cao tay nghề và được tiếp cận ngay những kỹ năng, kiến thức cần thiết cho công nhân làm việc trong doanh nghiệp.
Tới Trường nghề Kinh tế- Kỹ thuật Thuận Thành, chúng tôi còn được biết, từ những lớp dạy nghề “bắt tay” với doanh nghiệp, một số bạn trẻ đã nhanh chóng học được nghề và cả cách thức tổ chức kinh doanh nên mạnh dạn mở xưởng sản xuất riêng. Điển hình nhất là chị Nguyễn Thị Lan ở thị trấn Hồ, Thuận Thành, sau khoá học, đi làm một thời gian chị Lan đã mở một xưởng may mặc, không chỉ tạo công ăn việc làm và thu nhập cho bản thân mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động khác tại địa phương.
Tâm Thanh