Dân Việt

Đóng cửa “làng thịt chó” Dương Nội

12/07/2010 04:51 GMT+7
(Dân Việt) - Ngày 10-7, Đoàn thanh tra liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm TP. Hà Nội đã kiểm tra làng thịt chó Dương Nội, quận Hà Đông - nơi phát hiện phẩy khuẩn tả trong phân con chó sống.

Đoàn kiểm tra yêu cầu các hộ dân làng thịt chó Dương Nội không giết mổ, kinh doanh trong vòng 14 ngày để thực hiện vệ sinh môi trường, phòng bệnh. Thời gian đóng cửa kể từ hôm nay, ngày 12-7 (tức mùng 1 - 6 âm lịch).

Tại thời điểm kiểm tra, các chủ kinh doanh thịt chó tại Dương Nội đều không xuất trình được giấy tờ nguồn gốc chó. Họ khẳng định, chó sống được mua từ các xe chở từ Hậu Lộc (Thanh Hóa) đến Dương Nội vào các buổi tối. Ngày 10-7, khi nhận kết quả trong phân chó tại nhà hàng Vĩnh Sử có phẩy khuẩn tả, Dương Nội vẫn còn trên 200 con chó sống. Chủ nhà hàng Hạnh Thuần và Khánh Hường thừa nhận không có giấy chứng nhận nguồn gốc của số chó đang chờ giết thịt.

Ngoài Dương Nội, nhiều khu vực khác ở Hà Nội như Đại Mỗ (Từ Liêm), Đức Giang (Hoài Đức) đều nhập chó sống từ Hậu Lộc, Thanh Hóa.

Trước 1 ngày lệnh đóng cửa có hiệu lực (11-7), phóng viên NTNN có mặt tại Dương Nội và thấy hoạt động kinh doanh giết mổ chó ở đây vẫn diễn ra bình thường. Anh Đoàn Văn Khánh - chủ cửa hàng thịt chó Hoài Khánh (xóm Tó, thôn An Dương) nói: "Chỉ vì phát hiện một cửa hàng thịt chó có phẩy khuẩn tả mà cấm cả làng không giết mổ chó thì chúng tôi không chấp nhận".

Theo anh Khánh, trước đây mỗi ngày cửa hàng của anh tiêu thụ hết hơn tạ thịt chó, tuy nhiên, hiện giảm xuống chỉ còn 40 - 50 kg/ngày. "Làng thịt chó mà cấm giết mổ chó thì chúng tôi lấy cái gì mà sống đây" - anh Khánh bức xúc. Cùng quan điểm với anh Khánh, chủ cơ sở giết mổ chó Hợp Luân nói: "Đa phần người dân ở đây sống bằng nghề giết mổ và buôn bán thịt chó, mỗi cửa hàng bao giờ cũng tích chó để thịt dần, nhà nhiều thì trăm con nhà ít cũng mấy chục con. Nhu cầu về thịt chó của người tiêu dùng vẫn rất cao nên rất khó có thể cấm hoàn toàn".

Tuy nhiên, theo các chuyên gia dịch tễ, chỉ cần phát hiện trong khu vực có mầm bệnh tả thì việc thực hiện khoanh vùng để phòng dịch là cần thiết, không cần đến xét nghiệm thêm.

Kiểm tra mầm bệnh toàn thành phố

Ngày 10-7, Sở Y tế Hà Nội đã gửi công văn yêu cầu 29 quận, huyện trên địa bàn thành phố tăng cường các hoạt động kiểm tra, kiểm dịch nguồn bệnh tả qua các con đường lây truyền (chó, môi trường, thức ăn đường phố...). Theo thống kê, Hà Nội đã có gần 200 trường hợp tiêu chảy cấp phải nhập viện. Riêng quận Hà Đông có 8 trường hợp.