Ông Nguyễn Văn Nhị chăm sóc ruộng mía. |
Ông Nhị trồng mía từ thập niên 80 của thế kỷ trước. Lúc đó, cả vùng này vừa trồng mía vừa làm ruộng. Kinh tế khó khăn, cây mía cũng chịu chung cảnh tương tự, hết trồng rồi lại chặt. Người trồng mía cũng chẳng quan tâm gì đến kỹ thuật.
Cả đời gắn bó với mía
Ông Nhị kể: “Lúc đó mạnh ai nấy trồng theo kinh nghiệm. Thấy lá mía vàng thì bón phân chứ chẳng biết bón cân đối để mía có năng suất cao. Vì vậy, năng suất, chất lượng mía rất thấp, khoảng trên dưới 100 tấn/ha. Người trồng mía thu nhập chẳng bao nhiêu”. Ông Nhị cũng như rất nhiều ND ở địa phương cũng từng lao đao vì mía rớt giá, bán chẳng ai mua.
Thời điểm khó khăn nhất là vào năm 1986, các nhà máy thủ công tiêu thụ mía với số lượng rất ít nên đa số bà con đều thua lỗ. Năm 2000 là thời điểm hồi sinh của cây mía khi nhà máy đường về đây xây dựng, thành lập vùng nguyên liệu. Các giống mới như: Hoà Lan Tím, GCO16, Quế đường 11, VĐ986-368… được đem về trồng cho năng suất cao. Ngã Bảy, Phụng Hiệp trở thành vùng nguyên liệu lớn nhất của khu vực ĐBSCL.
Chuyên gia trồng mía
Trong 5 năm liền, năng suất mía của gia đình ông Nhị đạt khoảng 233,96 tấn/ha, cao nhất tỉnh. Ông Võ Văn Sơn - Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Cần Thơ (CASUCO) đánh giá: “Những ND cần cù, trồng mía giỏi được chọn vào “CLB 200” (CLB những người trồng mía có năng suất trên 200 tấn/ha - PV) phải qua quá trình chọn lọc rất kỹ lưỡng. Có ND năm đầu đạt năng suất cao nhưng qua năm sau lại bị rớt vì năng suất, chất lượng mía giảm. Riêng ông Nhị, 5 năm liền năng suất mía cao nhất CLB”.
Để có năng suất cao, tăng cân trong nhiều năm liền, ông Nhị phải học hỏi, nghiên cứu rất nhiều giống mía mới, cách trồng mới để đem về áp dụng trên liếp mía nhà mình. “Từ khi vào CLB, được các nhà khoa học hướng dẫn kỹ thuật trồng mía mới cho năng suất cao. Tất cả các công đoạn từ đào hộc mía, chọn hom giống, bón phân đều được các nhà khoa học hướng dẫn và chuyển giao cho ND rất kỹ. Vì vậy, mía cho năng suất và chất lượng cao nhất từ trước đến nay”- ông Nhị nói.
Cách trồng mía của ông Nhị cũng khác so với nhiều ND trong vùng. Giống mía ông tự nhân ra để trồng chứ không mua của thương lái. Năm nào ông cũng dành 700m2 liếp cao để trồng thử nghiệm giống mía mới. Giống nào có năng suất và chất lượng tốt nhất, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng sẽ được chọn trồng vào năm sau.
Ông Nhị cho biết: “Do đặc tính của mía phải trồng luân phiên các giống khác nhau qua từng mùa vụ mới có năng suất cao. Vì vậy, tôi tự nhân giống để xoay vòng các giống mía mới. Tự nhân giống có cái lợi là mình biết được giống mía nào phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng trên rẫy mía nhà mình”.
Với cách làm này, cánh đồng mía nhà ông Nhị luôn có giống mía mới được chọn lọc kỹ và năng suất cao hơn nhiều hộ trong vùng.
Hoàng Mai