Dân Việt

Tư vấn pháp luật miễn phí cho nông dân: Cởi bỏ nhiều lo âu

26/11/2010 09:48 GMT+7
(Dân Việt) - Trong hai ngày (23 và 24-11), Trung tâm Trợ giúp Pháp lý T.Ư Hội NDVN phối hợp với Báo NTNN,Công ty Luật hợp danh Hồng Bách và cộng sự tổ chức tư vấn pháp luật lưu động miễn phí cho nông dân các huyện Vĩnh Bảo, Kiến Thụy về thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Tham gia t­ư vấn còn có Trường Trung cấp Kinh tế Tài nguyên- Môi trường. Chương trình đã thu hút hàng trăm hội viên và bà con nông dân đến dự, đề nghị tư vấn...

Nhiều băn khoăn về vốn và đất

Mang nỗi lo lắng vì vốn vay không đủ để đầu tư nuôi trồng thuỷ sản, chị Nguyễn Thị Thạnh ở thôn Cựu Điện, xã Nhân Hoà, Vĩnh Bảo, bày tỏ: "Nghe tin xã đang có chủ trương quy hoạch khu nuôi trồng thuỷ sản đến năm 2020, nhà tôi cũng xin làm 6 sào.

img
Nhiều bà con mạnh dạn đến xin tư vấn trực tiếp từ luật sư.

Thế nhưng, khi hỏi vay vốn nhà nước thì được biết hộ nhà tôi chỉ được vay 50 triệu đồng. Số tiền trên không thể đáp ứng cho đầu tư sản xuất. Do đó, tôi muốn hỏi có cách nào để nhà tôi vay được nhiều vốn hơn?".

Giải toả lo lắng của chị Thạnh, luật sư Đinh Thị Hoà giải thích: Theo quy định, gia đình chị thuộc diện chăn nuôi cá thể, nên chỉ được vay tối đa 50 triệu đồng. Tuy nhiên, gia đình chị hoàn toàn có thể được vay đến 500 triệu đồng nếu đủ các điều kiện.

Cụ thể, để thực hiện được việc này, trước hết chị phải xin xác nhận của UBND xã về toàn bộ diện tích đầm nuôi, mục đích sử dụng đất khác nếu có, tài sản trên đất… để đủ điều kiện làm thủ tục đăng ký kinh doanh, thành lập trang trại với các phòng chức năng của huyện. Khi đã thực hiện đầy đủ những thủ tục trên, đồng nghĩa với việc chị đủ điều kiện để vay vốn theo quy định của nhà nước".

Anh Nguyễn Quốc Thuỳ, ở xã Nhân Hoà trăn trở: Đất ở địa phương chia nhỏ lẻ, nên để làm trang trại, nhà anh phải mua lại đất của các hộ khác. Tuy nhiên, đến năm 2014 thời hạn sử dụng đất theo quy định sẽ hết, vì thế dù rất muốn nhưng anh cũng chẳng dám làm...

Về vấn đề này, luật sư Nguyễn Đức Hùng trả lời: "Anh hãy xin ý kiến của UBND xã. Khi được xã đồng ý, anh làm các thủ tục tiếp theo với UBND huyện để thành lập mô hình kinh tế trang trại. Thoả thuận với các hộ làm giấy tờ chuyển nhượng đất, rồi xin chính quyền địa phương tiếp tục gia hạn sử dụng đất đúng mục đích để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của anh".

Như cởi được nỗi niềm

Sáng 24-11, Nhà văn hóa thôn Hồi Xuân (xã Tú Sơn, Kiến Thụy) chật cứng người dân từ các xã Tú Sơn, Đoàn Xá, Đại Hợp, Đại Hà, Kiến Quốc, Thụy Hương… đến xin được tư vấn.

Bà Phạm Thị Ngoi (xã Đoàn Xá) hỏi luật sư Hoà: “Gia đình nuôi trồng thuỷ sản và chăn nuôi trên 2 mẫu (gần 1ha), nhưng khi đi xin đăng ký mô hình kinh doanh trang trại, các cơ quan chức năng của huyện lại trả lời nhà tôi không đủ điều kiện đăng ký mô hình vì diện tích không đủ.

img Buổi tư vấn pháp luật giúp bà con nông dân am hiểu pháp luật, nhờ đó sẽ yên tâm đầu tư phát triển kinh tế. Chúng tôi mong T.Ư Hội, Báo NTNN và các tổ chức có nhiều chương trình như thế này cho bà con nông dân hơn nữa, cùng địa phương tháo gỡ những vướng mắc khó khăn. img

Điều đó đúng hay sai? Luật sư Hoà khẳng định, trường hợp bà Ngoi hoàn toàn đủ điều kiện để đăng ký thành lập mô hình kinh tế trang trại. Do đó, bà có thể kiến nghị lên UBND huyện để đòi quyền lợi hợp pháp.

Như được cởi bỏ lo âu, bà Ngoi hỏi tiếp: "Trước đây địa phương có chủ trương cấp cho nhà tôi 1 con bò giống, nhưng do lúc đó không có nhu cầu, nên tôi nhường cho người khác. Vậy mà bây giờ khi đàn bò nhà tôi giảm nhiều do dịch bệnh, tôi có xin 1 con bò mà không được, như thế có đúng không?".

Luật sư Hoà chia sẻ: "Chủ trương, chính sách của Nhà nước, địa phương… chỉ áp dụng ở những thời điểm nhất định. Do đó, bác không thể đòi hỏi như vậy được!”.

Các buổi tư vấn đã có đông đảo người dân tham gia, với nhiều câu hỏi sát thực, đi vào đúng các "vướng mắc" hiện nay. Cuối buổi tư vấn, bà con nông dân ai cũng tươi cười, không còn tâm trạng căng thẳng như lúc mới đến.