Dân Việt

Thi viết “bộ đội cụ hồ trên mặt trận kinh tế”: “Vua gà” ở Sư 312

24/06/2012 05:58 GMT+7
(Dân Việt) - Năm 2007, khi trung tá Lê Bá Thành chỉ huy thực hiện mô hình nuôi gà thịt, gà đẻ, nhiều người tỏ ra nghi ngờ về hiệu quả chăn nuôi. Nhưng với nỗ lực của cá nhân, sự ủng hộ của Ban Quân nhu, anh Thành đã tạo ra sự bất ngờ cho cán bộ, chiến sĩ đơn vị.

Nỗi “truân chuyên” cùng gà

Chúng tôi đã được nghe trung tá Lê Bá Thành - Phó Chủ nhiệm Hậu cần Sư đoàn 312, Quân đoàn 1 kể về kinh nghiệm chăn nuôi gia cầm khi anh báo cáo điển hình tiên tiến tại Đại hội Thi đua quyết thắng toàn quân lần thứ VIII. Nhưng để tìm hiểu kỹ hơn về anh, về mô hình chăn nuôi ấy, phải đến tận đơn vị mới có thể hiểu hết nỗi “truân chuyên” cùng đàn gà của anh.

img
Trung tá Lê Bá Thành (phải) hướng dẫn phương pháp cho gà ăn tại chuồng gà số 12. Nguyễn Thị Ngân

Hôm đó đúng vào ngày anh Thành có kế hoạch trao đổi kinh nghiệm phòng dịch ở gia cầm với các thành viên trong tổ chăn nuôi. Anh nói cụ thể nguyên nhân gây bệnh, triệu chứng, cách phòng dịch và phương pháp điều trị đối với những bệnh gà hay mắc phải như: Bệnh đậu gà, tụ huyết trùng, viêm đường hô hấp, cầu trùng, dịch tả. Khi mọi người không còn ý kiến thắc mắc, anh tiếp tục hướng dẫn phương pháp chống rét, ủ ấm cho gà con, gà đẻ; cách vận hành quạt thông gió…

Ngày đầu anh Thành cùng Ban Quân nhu thực hiện mô hình chăn nuôi gà, các anh đã gặp không ít khó khăn. Ngày đó, trung tá Lê Bá Thành là Trưởng ban Quân nhu, nêu ý tưởng xây dựng trang trại chăn nuôi gà thịt, gà đẻ để cung cấp thực phẩm phục vụ bữa ăn hằng ngày của bộ đội trước tập thể Đảng ủy, Chỉ huy Phòng Hậu cần. Lập tức một số ý kiến lo ngại về tính hiệu quả. Có người chỉ ra những khó khăn trong việc huy động vốn xây dựng chuồng trại, mua con giống, phòng chống dịch bệnh… Anh Thành đã khẳng định, mô hình chăn nuôi gà chắc chắn sẽ thành công vì anh và anh em trong ban có quyết tâm, động cơ đúng đắn.

Cơ sở để anh đưa ra ý tưởng xây dựng mô hình chăn nuôi gà, thứ nhất là xuất phát từ thực tế nhu cầu sử dụng thịt và trứng gia cầm của sư đoàn rất lớn (cán bộ, chiến sĩ tiêu thụ bình quân gần 15 tấn thịt gia cầm và 250.000 quả trứng/tháng). Có nhiều thời điểm, việc khai thác khối lượng trứng và thịt gia cầm ở thị trường tự do rất khó khăn, nhất là trong điều kiện giá cả biến động, dịch cúm gia cầm bùng phát, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng bữa ăn bộ đội. Thứ hai là quỹ đất tăng gia của đơn vị rộng, cán bộ, trợ lý, nhân viên, chiến sĩ Ban Quân nhu có tâm huyết…

Trắng đêm nghe tiếng gà thở

Trước lý do đó, Chỉ huy Sư đoàn nhất trí để Ban Quân nhu nuôi gà thịt mang tính chất thử nghiệm, sau đó sẽ có những bước đầu tư phát triển thích hợp. Phòng Hậu cần đã thành lập tổ chăn nuôi gồm 10 đồng chí trực thuộc Ban Quân nhu. Anh Thành chủ động lập kế hoạch và cùng các đồng chí trong tổ chăn nuôi đi học tập kinh nghiệm chăm sóc, vệ sinh, phòng dịch cho gà tại Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Vạn Phúc và Công ty Giống gia cầm Phúc Thịnh, Viện Chăn nuôi quốc gia. Và để xây dựng chuồng trại, mua con giống, anh Thành đã đứng tên cá nhân vay ngân hàng, anh em, bạn bè 200 triệu đồng.

Nuôi được 2 tháng thì tự nhiên gà bị bệnh. Vào thời điểm đó, nhiều đàn gà của người dân xung quanh địa bàn đóng quân chết hàng loạt và đàn gà của đơn vị cũng đứng trước nguy cơ ấy. Tổ chăn nuôi phát hiện ra đàn gà của mình ăn kém, ủ rũ, chảy nước mắt, nước mũi, nhưng vẫn chưa đủ căn cứ xác định gà mắc bệnh gì để có hướng điều trị thích hợp. Anh Thành và Ban Quân nhu lúc đó chịu nhiều áp lực từ những lo ngại của chỉ huy, đồng đội… Sau buổi họp với tổ chăn nuôi tìm nguyên nhân và biện pháp khắc phục, mọi người thấy anh ăn vội bát mì tôm rồi mang bàn ghế, cặp sách vào chuồng gà ngồi. Anh ngồi đó tới sáng hôm sau.

Anh Thành kể lại: “Ở trong chuồng gà, tôi rất ngạc nhiên vì đêm khuya mà đàn gà vẫn không ngủ, thỉnh thoảng chúng lại di chuyển từ chỗ này sang chỗ khác, nhiều con bước đi rất nặng nhọc. Tiếp cận gần đàn gà, lắng tai nghe, tôi thấy chúng thở khò khè, thỉnh thoảng có con vươn cổ lên cao kêu “toóc toóc”, từ đó mới tạo ra sự nháo nhác. Tổng hợp các triệu chứng, tôi khẳng định gà bị bệnh viêm đường hô hấp mãn tính, nguyên nhân là do trời lạnh đột ngột, sương muối đến sớm và độ ẩm trong chuồng quá lớn.

Dưới ánh điện đỏ của chuồng gà, anh Thành khẩn trương lập kế hoạch chữa bệnh cho đàn gia cầm, với phác đồ điều trị là: Tiêm kháng sinh Tylosin theo liều 20- 25mg/kg thể trọng liên tục trong 5 ngày và kết hợp cho gà uống thuốc đông y gồm các vị: Đơn bì, hoàng kỳ, đại thanh diệp, ngô thù du, ngũ vị tử, sắc đặc bơm vào miệng; trải thêm vôi bột và trấu trên nền chuồng nhằm giảm độ ẩm, sát trùng. Những bài thuốc này anh đã được tìm hiểu ở Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Vạn Phúc, nghiên cứu mạng Internet và từ kinh nghiệm chăn nuôi của gia đình.

Tự chủ xây thương hiệu

Thành công từ lần nuôi thử nghiệm là cơ sở quan trọng để Chỉ huy Sư đoàn, Phòng Hậu cần nhất trí cho Ban Quân nhu mở rộng mô hình chăn nuôi. Nhưng vì quỹ vốn tăng gia của đơn vị chưa nhiều nên anh Thành và Ban Quân nhu chỉ nhận được số tiền đầu tư gần 300 triệu đồng. Được các đồng chí trong ban đồng tình hưởng ứng, anh Thành tiếp tục đứng tên cá nhân thế chấp tài sản gia đình vay ngân hàng và các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn 1,5 tỷ đồng để xây dựng 1.950m2 chuồng trại, mua 1,4 vạn gà giống hậu bị.

Do chuồng gà gần trường bắn nên gà mắc bệnh hoảng loạn, sợ tiếng động, sau một tuần trung bình sút 200g/con. Anh Thành lại nghiên cứu và đưa ra chiêu “độc trị độc” đó là thâu băng tiếng súng, đạn mở cho gà nghe 2 tiếng/ngày, lúc đầu nghe nhỏ, rồi to dần... từ đó gà khỏi bệnh.

Quá trình chăm sóc, anh đã chỉ đạo tổ chăn nuôi kết hợp tốt việc phòng dịch theo phương pháp truyền thống và hiện đại nên từ lứa gà thứ 2 trở đi, mô hình đã cho kết quả rất tốt. Anh Thành đã bàn bạc với các đồng chí trong Ban Quân nhu và đi đến thống nhất xây lò ấp trứng sản xuất con giống. Nhờ sự phát triển nhanh của mô hình mà tới giữa năm 2009, Ban Quân nhu đã trả xong toàn bộ vốn đã vay và bắt đầu chăn nuôi có lãi.

Từ một chuồng gà nuôi thử nghiệm với hơn 2.000 con, đến nay Ban Quân nhu, Phòng Hậu cần Sư đoàn 312 đã phát triển trại gà lên 12 chuồng với 3 vạn con gà thịt, 2 vạn gà đẻ. Mô hình chăn nuôi gà thịt, gà đẻ đã đáp ứng 100% lượng thịt, trứng gia cầm phục vụ bữa ăn hằng ngày của bộ đội trong sư đoàn. Có nhiều thời điểm trứng, thịt gà bộ đội ăn không hết, các anh bán ra thị trường tự do lấy tiền lãi đầu tư tái sản xuất và nhập vào quỹ vốn tăng gia của đơn vị hàng tỷ đồng.

Khi thấy mô hình nuôi gà thịt, gà đẻ của Sư đoàn 312 có hiệu quả kinh tế cao, một số đơn vị trong Quân đoàn 1 và nhiều người dân trên địa bàn đã tới Ban Quân nhu học tập kinh nghiệm.