“Hai ông cháu tui vừa đạp xe đến các nghĩa trang liệt sĩ trên các địa bàn Gio An, Gio Bình, Gio Sơn (huyện Gio Linh) ghi tên tuổi, quê quán của các liệt sĩ, thông qua Đài Tiếng nói Việt Nam để nhắn đến thân nhân của họ. Chiều nay, tôi nhận điện thoại từ Quốc Oai (Hà Nội), Bình Dương, Đông Triều (Quảng Ninh), Quảng Ngạn, Quảng Điền (Thừa Thiên – Huế) điện đến vui mừng cho biết họ là thân nhân của các liệt sĩ Nguyễn Đình Chí, Nguyễn Văn Chế và Nguyễn Viết” - ông Tình mãn nguyện cho biết.
Ông Tình và cháu gái dò tên tuổi, quê quán liệt sĩ, tìm cách liên lạc với thân nhân của họ. |
Gần 40 năm trước, một lần ngược lên mạn rừng Vĩnh Ô (Vĩnh Linh), chặt củi mang về chợ Hồ Xá bán kiếm tiền mua gạo, ông tình cờ thấy 2 ngôi mộ liệt sĩ có tên tuổi, quê quán khắc trên tấm gỗ nằm lẻ loi giữa rừng. Chạnh lòng, ông Tình đã vẽ lại địa hình, sau đó liên lạc qua thư từ với thân nhân của họ. Hơn một tháng sau, gia đình các liệt sĩ Phạm Hữu Đắc (quê Lập Thạch, Vĩnh Phú lúc đó) và Trương Xuân Lai (quê Nghệ An) vui mừng vào nhờ ông đi tìm mộ.
Những ngày nông nhàn, ông thường đạp xe đến những nơi có thông tin về hài cốt liệt sĩ để tìm hiểu, ghi chép. Rồi buổi tối, ông bật radio nghe thông tin tìm thân nhân liệt sĩ. Ông lặn lội tìm kiếm, ghi chép khắp các nghĩa trang liệt sĩ, sau đó thống kê, tìm thấy phần mộ nào trùng khớp với thông tin trên đài là ông lại cặm cụi viết thư thông báo. Đến nay, ông Tình đã có trong tay tên tuổi, quê quán của hơn 2.000 liệt sĩ. Trong số này, ông đã giúp liên lạc với người thân của trên 500 liệt sĩ vốn đã nhiều lần cất công đi tìm kiếm nhưng không tìm thấy.
Hoàn cảnh ông Tình hiện nay cũng khá khó khăn. Con trai đột ngột qua đời, để lại 2 đứa cháu đang tuổi học hành, ông Tình phải cáng đáng nuôi nấng. Tuy vất vả, nhưng ông vẫn đau đáu nỗi niềm có thể đưa được nhiều liệt sĩ về với gia đình của họ.
Uyên Minh