Dân Việt

Quả bóng và quả táo cắn dở

24/06/2012 06:55 GMT+7
(Dân Việt) - Quả bóng tròn trên sân chạy qua chạy lại giữa các đôi chân cầu thủ và quả táo cắn dở trên chiếc Iphone trong tay người cầm thì có liên quan gì đến nhau? Ấy vậy mà chúng lại liên quan đấy.

Bàn thắng không được công nhận của tuyển Ukraina trong trận gặp tuyển Anh là một thiệt thòi cho đội chủ nhà đăng cai. Quả bóng đã thực sự bay qua vạch vôi. Sau trận đấu, người ta lại bàn cãi có nên lắp đặt các thiết bị công nghệ cho quả bóng và cho cầu môn để nhờ máy móc phát hiện chính xác kịp thời các tình huống nhạy cảm, giúp tránh được những pha bóng gây tranh cãi, không để thiệt thòi oan uổng cho các đội bóng.

Chuyện bàn cãi này thực ra đã có từ khá lâu và cho đến nay vẫn chưa được quyết định. Chủ tịch UEFA Michel Platini thì phản đối, ông không dùng thiết bị mà dùng người, tức là tăng thêm một trọng tài cho mỗi cầu môn chỉ để quan sát quanh khung thành. Và tôi thấy thế là hay. Bóng đá là trò chơi của con người. Sự không hoàn hảo đó là một phần tất yếu của cuộc sống, của cuộc chơi.

Hình ảnh quả táo cắn dở mà Steve Job nghĩ ra cho chiếc Iphone chính là để thể hiện ý tưởng không có cái gì hoàn hảo, trọn vẹn, hoàn tất. Một công cụ, thiết bị ra đời chỉ là một bước tiến trên con đường hoàn chỉnh hơn cái đã có, để rồi từ đó lại vươn tới cái khác nữa. Người dùng Iphone mỗi lần nhìn hình quả táo cắn dở được tiếp thêm ý nghĩ là mình luôn phải cố gắng, luôn phải nỗ lực, phía trước vẫn còn một cái gì đó còn làm được khác hơn, tốt hơn.

Quả bóng khi bắt đầu lăn trên sân là cuốn theo cầu thủ hai đội và hàng bao con người phải vận dụng hết mọi giác quan khả năng của mình để có một trận đấu đẹp, để tránh những sai sót khó biết sẽ phạm phải lúc nào khi xác suất của đường bay quả bóng là khó đoán lường.

Và bất ngờ bóng đá đến từ đó. Bất ngờ được bàn thắng đẹp. Bất ngờ bị từ chối bàn thắng. Niềm vui và nỗi buồn hòa vào nhau trong một cảm giác sân cỏ đưa lại là con người ta luôn phải gắng vượt lên mình.