Kỳ thi đại học vừa rồi làm phát lộ câu chuyện cổ tích thời @- bác nông dân Nguyễn Hữu Định ngày đi làm đêm chui cống Hà Nội ngủ vậy mà nuôi được 4 con vào đại học, cao đẳng. Nghị lực tự thân đến phi thường...
Trong khi Bộ Thương mại Mỹ (DOC) quyết rất nhanh thuế chống trợ cấp với con tôm Việt Nam để bảo vệ tôm Mỹ thì tại Việt Nam, quá nhiều câu hỏi dạng “tại sao” liên quan đến nông dân cứ chuyền hết bộ này sang ngành khác?
Nếu xét về hệ thống cơ quan chức năng ăn lương làm việc vì lợi ích nông dân thì Mỹ chưa hẳn đã hơn Việt Nam. Nhưng hãy nhìn tiến độ DOC xử lý việc: Ngày 28.12.2012 Liên minh công nghiệp tôm vùng Vịnh (Mỹ) đệ đơn kiện tôm nước ấm nhập khẩu, ngày 18.1.2013, DOC chính thức điều tra. Ngày 29.5, DOC ra kết luận sơ bộ và ngày 12.8 chính thức ra kết luận mang tính bảo vệ những người nuôi tôm Mỹ. Chưa xét đến việc áp thuế chống trợ giá của DOC bất công thế nào nhưng nhìn tiến độ giải quyết việc cho nông dân Mỹ, nông dân Việt Nam thấy thèm và quá tủi thân.
Nông dân Việt Nam hiện không thiếu chuyện cần sự can thiệp quyết liệt từ phía các cơ quan nhà nước. Cả làng ung thư, những đìa tôm chết trắng, những ruộng rau màu tàn lụi vì nước thải; những ngôi nhà sập, mảnh ruộng bị cuốn trôi vì cát tặc lộng hành; những nông sản bị giả thương hiệu, những sổ đỏ bị lừa cầm cố… Ai cũng thích kể ra muôn vàn nỗi khổ của nông dân để tỏ ra mình quan tâm và hiểu lớp lao động nghèo này. Kể chuyện khổ của nông dân người ta cũng thêm cớ để lập các dự án, tổ chức các hội nghị, hội thảo.
Ở đấy có hàng loạt câu hỏi bắt đầu bằng chữ “tại sao”. Nhưng rồi hỏi để mà hỏi, giải quyết còn phải có quá trình tìm hiểu, nghiên cứu, đề xuất giải pháp, trình cấp có thẩm quyền. Một khoảng trống trách nhiệm, khoảng trống hiệu lực phát sinh và kéo dài từ đấy. Chuyện xưa cũ như nông sản Trung Quốc tràn ngập chợ Việt, báo chí nói nhiều đến mức chán tai nhưng khi hỏi cấp có thẩm quyền họ vẫn đủng đỉnh: Chúng tôi sẽ kiểm tra thông tin báo nêu! Dù không kiện tụng ai, nhưng cảnh nông dân chán cây lúa mà bỏ ruộng đã xuất hiện từ lâu, vậy mà chỉ đến khi diện tích bỏ hoang lên tới bình quân 100 ha/tỉnh, Bộ NNPTNT mới thành lập đoàn đi khảo sát.
Kỳ thi đại học vừa rồi làm phát lộ câu chuyện cổ tích thời @- bác nông dân Nguyễn Hữu Định ngày đi làm đêm chui cống Hà Nội ngủ vậy mà nuôi được 4 con vào đại học, cao đẳng. Nghị lực tự thân đến phi thường. Chuyện bác Định, chuyện ngư dân Quảng Ngãi đi vay nóng đóng tàu kiếm sống, chuyện người dân bên các sông Tam Kỳ, Trường Giang (Quảng Nam) tự dựng chòi chống cát tặc hay dân thôn Châu Xá, Kinh Môn, Hải Dương tự lập chiến lũy để “quyết chiến”với nhà máy xây trái phép trên đất nông nghiệp… đang là một đặc điểm nổi cộm khác trong đời sống làng quê- nông dân tự xoay xở.
Cái cách nông dân tự xoay xở mà lẽ ra cần thiết có “bàn tay” Nhà nước có khi đưa đến bát cơm thơm nhưng cũng có khi là rước họa mà không khỏi day dứt với câu hỏi: Tại sao?