Dân Việt

Nỗi đau bản Poọng

25/06/2012 11:35 GMT+7
(Dân Việt) - Bản Poọng, xã Tam Chung, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hoá có 84 nóc nhà của đồng bào Thái. Dù từ đầu bản đến cuối bản chỉ chừng một cây số, nhưng lại là điểm nóng về ma tuý và HIV/AIDS...

Nỗi đau khó kể hết

Anh Vi Văn Hợi, một giáo dục đồng đẳng viên của bản Poọng, từng một thời mắc nghiện, đưa chúng tôi đi thăm một bệnh nhân đang dùng thuốc ARV điều trị căn bệnh thế kỷ. Theo anh Hợi, bản này là điểm nóng nhất trong toàn xã về AIDS. Đến nay đã có hơn 30 thanh niên chết vì AIDS. Cậu thanh niên mà chúng tôi đến thăm tên là Nguyên, vừa tròn 20 tuổi.  Khi dùng ARV, Nguyên bị phản ứng thuốc.

img
Những đứa trẻ mồ côi ở bản Poọng.

Anh Hà Văn Oai - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Tam Chung cho biết: Trường hợp của Nguyên là đi khám bệnh muộn, để phát bệnh mới điều trị. Tuy nhiên, do còn trẻ nên giờ Nguyên đã tạm ổn”.

Thấy chúng tôi đến, Nguyên cố ngồi dậy trò chuyện: Trước cháu yếu lắm, giờ thì ổn rồi. Cháu cũng biết cách phòng cho cả nhà nữa. Bây giờ cháu bệnh tật thế này làm bố mẹ cháu rất vất vả, lại tốn kém…

Chuyện chơi bời, hút chích chung bơm kim tiêm chính là nguyên nhân dẫn đến lây lan HIV và tử vong ở bản Poọng. Anh Vi Văn Hợi cho biết: “Đường sá xa xôi nên bơm kim tiêm kiếm được họ đều dùng chung. Chương trình cấp bơm kim tiêm mới có sau này. Đa số mấy đối tượng chết là nhiễm từ năm 2010 đổ về trước…”.

Chết vì kỳ thị, thiếu hiểu biết

Không chỉ người nghiện mắc AIDS mà họ còn làm lây sang cả vợ con họ. Ở bản Poọng đã có 5 cặp chết cả vợ lẫn chồng.

Ông Vi Văn Én, 59 tuổi, ở bản Poọng kể về nỗi bất hạnh ập xuống gia đình mình: “Tôi có 5 người con đều là trai. Một đứa đã mất vì bệnh thổ tả năm 1983. Từ những năm 1995-1996, chúng đi chơi bời ở đâu không biết… lúc phát hiện ra mới biết là bị nghiện và bị bệnh AIDS. Thằng út chết tháng 4.2007 khi mới 22 tuổi và có một đứa con nhưng con nó cũng chết. Thằng con trai đầu chết tháng 5.2010. Còn thằng thứ hai đang điều trị ARV từ tháng 12.2009”.

“Có cháu 18-19 tuổi đã chích rồi. Chúng tôi phải quy định điểm treo hộp đựng bơm kim tiêm. Mỗi lần đối tượng nghiện chỉ được lấy một cái thôi, sau khi dùng xong lại để bơm kim tiêm bẩn vào hộp an toàn”.

Tháng vừa rồi, do chưa rút được hồ sơ về Mường Lát nên ông Én vẫn phải kèm người con bị bệnh đi lấy thuốc ở tận Quan Hoá, vì phải có mặt bệnh nhân họ mới kê đơn cấp thuốc. Nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn, mỗi lần đi hết sáu, bảy trăm nghìn lại phải vay mượn, đã khó càng khó… Đúng là nỗi đau của bản Poọng khó có thể kể hết.

Được biết, không chỉ ở bản Poọng mà ở Mường Lát, số người nhiễm HIV đều tăng qua mỗi năm. Theo ông Nguyễn Bá Hùng – Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng huyện Mường Lát, nguyên nhân số bệnh nhân tăng hàng năm trước hết là do sự thiếu hiểu biết của người nghiện ma tuý, trong đó họ sợ sự kỳ thị của cộng đồng.

“Cái khó của Trung tâm trong việc triển khai chương trình là lực lượng mỏng, địa bàn quá xa. Muốn ngăn chặn và làm tốt công tác phòng chống HIV/AIDS không thể chỉ giao riêng cho ngành y tế mà phải có sự tham gia của các cấp chính quyền” - ông Hùng mong muốn.