Thiếu quy hoạch sản xuất
Số liệu của Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho thấy, tính đến cuối năm 2011, tổng diện tích thanh long trên cả nước đạt 23.000ha, tăng 10 lần so với năm 1995, trong đó có 3.700ha trồng mới, diện tích cho thu hoạch là 19.000ha. Do nhu cầu thị trường tiêu thụ ngày càng tăng cao, nên những năm gần đây, diện tích thanh long nước ta tăng nhanh chóng với hơn 1.000ha/năm.
Thanh long ruột đỏ được trồng khảo nghiệm ở xã Cẩm Lĩnh, Ba Vì, Hà Nội. |
Theo ông Nguyễn Quang Huy (Cục Trồng trọt), một số tỉnh phía Bắc đã bước đầu trồng thử nghiệm thanh long ruột đỏ nhập nội từ Đài Loan. “Các địa phương cần làm tốt khâu quy hoạch vùng sản xuất tập trung, vùng sản xuất an toàn, tăng cường quản lý chỉ đạo phát triển theo đúng quy hoạch, tránh phát triển tràn lan, chạy theo phong trào”- ông Huy cho biết.
Hiện nay, nhiều địa phương ở phía Bắc đã nhìn thấy rõ được hiệu quả kinh tế của cây thanh long nói chung và thanh long ruột đỏ nói riêng. Nhưng thực tế, việc thiếu quy hoạch, sản xuất manh mún đang là rào cản của việc mở rộng cây ăn quả này. Ngay Hà Nội, một trong những địa phương tiên phong trồng thanh long ruột đỏ cũng chưa giải quyết được bài toán này.
Từ năm 2007, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã xây dựng mô hình trồng thanh long ruột đỏ tại 4 huyện có diện tích đồi gò, bán sơn địa là Thạch Thất, Ba Vì, Chương Mỹ và Mỹ Đức với quy mô 5,5ha. Đến năm 2009, thanh long đã bắt đầu cho thu hoạch. Ông Đào Duy Tâm- Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội cho biết: “Hà Nội đang gặp không ít khó khăn trong việc xây dựng những vùng sản xuất thanh long hàng hóa, quy mô lớn”.
Cần nghiên cứu, khảo nghiệm kỹ
TS Ngô Hồng Bình- Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả T.Ư cho biết: “Kết quả khảo nghiệm ở một số tỉnh phía Bắc cho thấy, thanh long ruột đỏ có khả năng sinh trưởng, phát triển tốt, ra hoa nhiều đợt trong năm từ tháng 4 đến tháng 10 nên có thể rải vụ thu hoạch, tiềm năng cho năng suất cao trong điều kiện sinh thái trong một số tiểu vùng miền Bắc. Có thể bổ sung thanh long ruột đỏ vào cơ cấu giống cây ăn quả ở Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Điện Biên, Sơn La…”.
Tuy nhiên, theo TS Bình, việc phát triển thanh long ở miền Bắc có một số hạn chế. Do chưa có những nghiên cứu đầy đủ kỹ thuật trồng nên giống thanh long ruột đỏ ở các tỉnh phía Bắc thường cho quả nhỏ, chất lượng thấp hơn so với các giống thanh long ruột đỏ được chọn tạo, trồng ở phía Nam.
TS Phan Huy Thông - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia
Hơn nữa, miền Bắc thường có mùa đông lạnh, khoảng thời gian này không thuận lợi cho thanh long sinh trưởng, ra hoa đậu quả. Điều kiện tự nhiên của các vùng thuộc miền Bắc rất khác nhau, vì thế có vùng không thể trồng thanh long được.
“Thời tiết miền Bắc thuận lợi cho một số sâu bệnh xuất hiện và gây hại đặc biệt là bệnh thối cành, thối quả do nấm”- TS Bình cho biết thêm.
Ở nhiều địa phương trồng thanh long ruột đỏ đã và vẫn đang phải đối mặt với những nguy cơ do điều kiện thời tiết, kỹ thuật canh tác… Vì thế, các địa nhiều địa phương cũng thận trọng trong việc phát triển giống cây ăn quả này. Điển hình như Thanh Hóa. Mặc dù đưa thanh long ruột đỏ trồng thử nghiệm từ năm 2009, nhưng đến nay diện tích phát triển chưa đến 10ha”.
Hữu Thông