Mùa giải tiếp theo, 4 năm sau, Hy Lạp không còn hình bóng gì. Nhưng lại 4 năm nữa, đến Euro 2012 này, Hy Lạp lại gây bất ngờ, và buộc người ta phải nhớ đến chức vô địch 8 năm trước của họ. Trước lượt trận cuối vòng bảng, họ chỉ được một điểm đối đầu với tuyển Nga được 4 điểm, khả năng đi tiếp vào vòng sau của họ là cực thấp. Vậy mà họ đã lách được qua khe cửa hẹp bằng bàn thắng của đội trưởng để loại đội Nga và đưa tên mình vào vòng tứ kết. Ở vòng này họ gặp phải đội Đức, một đội mạnh hơn hẳn.
Đức đã lấn lướt và đá trên cơ Hy Lạp ngay khi từ tiếng còi vang lên mở màn trận tứ kết thứ hai Euro 2012. Khi Đức nâng tỷ số lên 4-1, những tưởng với tỷ số an bài trận đấu đó, Hy Lạp sẽ buông xuôi, sẽ đá vật vờ cho hết trận. Nhưng không!
Các cầu thủ Hy Lạp đã tỏ rõ mình là những chiến binh như trong các câu truyện thần thoại của xứ sở lừng danh này. Như các cổ động viên Hy Lạp trên khán đài đã hóa trang mình thành những chiến binh quả cảm ngày xưa. Họ vẫn đá miệt mài, vẫn chăm chút từng cơ hội, vẫn quyết đấu để quyết thắng. Và quả phạt đền họ được hưởng ở phút 89 là kết quả những nỗ lực không mệt mỏi của họ, chứ không phải là phút buông lơi của cầu thủ Đức.
Chung cuộc Đức thắng 4.2 và vào bán kết, Hy Lạp dừng cuộc chơi. Nhưng cái dừng của họ đáng được ngưỡng mộ, tự hào. Nhìn về trình độ, thực lực, và cụ thể một trận đấu, Hy Lạp thua Đức nhiều mặt. Nhưng ghi được 2 bàn vào lưới đội được coi là ứng viên nặng ký nhất cho chức vô địch Euro mùa này, nhất là trong một hoàn cảnh bị dồn ép và bị thủng lưới trước, đã là một thành tích, một vinh quang.
Những chiến binh Hy Lạp đã cho ta một bài học rằng khi trước mặt còn mục tiêu, còn hy vọng, thì hãy phấn đấu hết mình để đạt tới, đừng nản chí, tuyệt vọng. Bóng đá hay là vậy.
Phạm Xuân Nguyên