Dân Việt

Chuyên môn hóa để giải bài toán yếu kém công nghệ sau thu hoạch

22/08/2012 09:23 GMT+7
(Dân Việt) - Đứng đầu thế giới về xuất khẩu gạo, nhưng công nghệ sau thu hoạch của ngành lúa gạo Việt Nam còn lạc hậu, dẫn đến chất lượng gạo chưa cao, hao hụt nhiều, thu nhập nông dân thấp và chủ yếu chỉ xuất khẩu được gạo cấp thấp.

Theo điều tra của chúng tôi, thông thường các vụ đông xuân gần đây có khá đông nông hộ (khoảng 85%) giữ lúa để phơi, còn lại bà con sấy lúa để bán cho thương lái. Vụ hè thu có 10% nông hộ bán ngay lúa sau thu hoạch cho thương lái, 40% phơi lúa và 50% nông hộ sấy lúa khô trước khi bán. Vụ thu đông xu hướng này gần tương tự vụ hè thu với 50% số nông hộ phơi lúa, 45% số hộ sấy lúa trước khi bán.

img
Không có chỗ phơi, nông dân phải phơi lúa ngay trên trên đường quốc lộ. Ảnh minh họa

Tổn thất lớn ở khâu phơi sấy

Về thời gian phơi, trong vụ đông xuân ít nhất nửa ngày, nhiều nhất là 7 ngày, trung bình là 2,5 ngày; sấy lúa từ 7 - 18 giờ. Trong vụ hè thu, thời gian phơi từ 2 - 8 ngày, trung bình 3,8 ngày; sấy từ 8 - 20 giờ, trung bình là 12 giờ, nhiều hơn vụ đông xuân. Vụ thu đông thời gian phơi từ 1 - 7 ngày, trung bình 3,2 ngày, sấy từ 7 - 20 giờ, trung bình là 11,6 giờ.

Kết quả điều tra cho thấy 62% số nông hộ chủ yếu dựa vào sân nhà để phơi lúa, 23,5% không có sân để phơi phải tranh thủ đường nhựa giao thông để phơi và 11,5% phải phơi ngay trên ruộng, còn lại 3% số hộ dùng bạt trải để phơi lúa.

Các phương tiện phơi, sấy lúa của nông dân cũng còn rất lạc hậu, cơ sở hạ tầng yếu kém. Kết quả điều tra cho thấy 62% số nông hộ chủ yếu dựa vào sân nhà để phơi lúa, 23,5% không có sân để phơi phải tranh thủ đường nhựa giao thông để phơi và 11,5% phải phơi ngay trên ruộng, còn lại 3% số hộ dùng bạt trải để phơi lúa. Trong mùa mưa chỉ có gần một nửa số hộ áp dụng sấy lúa, trong đó chỉ có 35% số hộ có chủ động máy sấy tại nhà, còn lại số đông 65% số hộ phải đi thuê sấy từ các nhà máy sấy của tư nhân trong địa phương.

Những nghiên cứu có hệ thống từ năm 2003 của Tổ chức Danida (do Đan Mạch tài trợ phối hợp với Bộ NNPTNT) cho thấy rằng thất thoát lúa cao nhất là do nông dân phơi lúa dùng ánh sáng nắng để phơi mà không áp dụng máy sấy lúa.

Cần kết nối chặt chẽ các khâu

Giải pháp quan trọng trong việc đảm bảo chất lượng hạt gạo xuất khẩu mang tính cạnh tranh cao trước hết là áp dụng giống có chất lượng cao đạt tiêu chuẩn cho xuất khẩu đã được khuyến cáo từ các viện và cơ quan nông nghiệp;

Hạn chế tối đa dùng giống phẩm chất thấp như IR 50404, OM 576 (Hầm trâu). Kế đến là phương pháp canh tác của nông dân phải đảm bảo đúng kỹ thuật không bón thừa phân làm cây lúa đổ ngã mất phẩm chất hoặc tồn lưu nitrat trong hạt. Sau cùng là áp dụng công nghệ sau thu hoạch hiện đại.

Trong việc phát triển phương tiện sấy lúa hiện nay, để tránh tình trạng đầu tư tràn lan không có hiệu quả như vừa qua ở ĐBSCL, một số dự án có hỗ trợ vốn cho nông dân xây dựng các lò sấy lúa công suất từ 8 – 12 tấn/mẻ tại các hộ gia đình. Nhưng hiện nay nhiều nơi thương lái có xu hướng tiến bộ hơn khi thu gom lúa tập trung sấy ở những nhà máy sấy có công suất lớn 40 – 50 tấn/mẻ đặt gần nơi nhà máy chế biến gạo xuất khẩu.

Tốt nhất nên phân công chuyên môn hóa sâu, tổ chức hệ thống thu mua có kết hợp sấy, chế biến với cơ sở máy móc hiện đại, quy mô lớn, thu mua ngay lúa sau thu hoạch của nông dân, sấy và chế biến riêng. Việc này cũng nhằm tránh thất thoát và nâng cao chất lượng lúa gạo cho xuất khẩu.