Dân Việt

Sản xuất phân bón giả cần bị phạt nặng, hoặc truy tố trước pháp luật

12/04/2013 09:24 GMT+7
(Dân Việt) - Đó là ý kiến của ông Nguyễn Duy Khuyến - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao khi nói về mức xử phạt đối với hành vi sản xuất phân bón giả.
img
 Ông Nguyễn Duy Khuyến

Thưa ông, nạn phân bón giả đã ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động sản xuất của công ty?

- Thị trường tiêu dùng sản lượng lớn phân bón, hóa chất cho nông nghiệp ngày càng phát triển, nên khó tránh khỏi việc có doanh nghiệp, công ty lợi dụng sự cả tin, thiếu nhận biết của nông dân để sản xuất ra những sản phẩm phân bón kém chất lượng. Nhiều doanh nghiệp cạnh tranh như ở khu vực Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Bắc Giang… chủ yếu sản xuất chạy theo số lượng, không đảm bảo chất lượng làm cho thị trường bị méo mó, gây tâm lý hoang mang cho người sử dụng. Hơn nữa, nông dân thường thích sản phẩm giá rẻ, cho nợ vốn (bán chịu)… Nắm được tâm lý này, nhiều đại lý phân bón đã thương thảo và đưa các mặt hàng nhái, hàng giả, hàng không kiểm định rõ nguồn gốc về khu vực nông thôn.

Sản phẩm của công ty cũng đã từng bị làm giả, làm nhái tại các tỉnh Hòa Bình, Bắc Giang; hoặc nhái giống bao bì của Supe Lâm Thao, khiến nông dân bị hiểu nhầm, hiểu sai, ảnh hưởng ít nhiều đến hoạt động sản xuất của công ty.

Để ngăn chặn phân bón giả, đồng thời giúp người tiêu dùng chống lại thực trạng trên, công ty đã có những giải pháp nào?

- Những năm gần đây, Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao phối kết hợp với các trung tâm dạy nghề, hội nông dân, hội phụ nữ, đoàn thanh niên các tỉnh về tập huấn, triển khai giới thiệu và cách nhận biết về sản phẩm. Đồng thời, tổ chức hệ thống bán hàng về các địa bàn cơ sở. Các cửa hàng được cấp chứng nhận được phép bán hàng của Lâm Thao và các đại lý bán phải cam kết với người nông dân khi mua hàng, nếu như bán sản phẩm không đảm bảo chất lượng thì cửa hàng phải chịu trách nhiệm trước nông dân. Nông dân có thể kiện các của hàng đã không thực hiện đúng quy định đã cam kết và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Về phía công ty, chúng tôi cũng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm định việc phân phối sản phẩm trên địa bàn các cơ sở. Hiện nay, công ty tổ chức rất nhiều trạm giao dịch tại các tỉnh để tiếp thị, đi kiểm tra, kiểm soát, và đã khắc phục được tình trạng trên.

img
Dây chuyền đóng gói sản phẩm tại Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao.

Theo ông, mức xử phạt hành vi sản xuất phân bón giả từ 120 – 150 triệu đồng và xử phạt hành vi kinh doanh phân bón giả từ 80-90 triệu đồng như Bộ Công Thương đang dự kiến đã đủ tính răn đe?

- Cá nhân tôi thấy mức xử phạt đối với hành vi cơ sở sản xuất phân bón giả cần tăng nặng hình phạt, thậm chí còn có thể truy tố trước pháp luật nhằm răn đe và ngăn chặn tái diễn việc sản xuất phân bón giả, kém chất lượng của một số cơ sở hay hộ gia đình. Việc đưa nghị định xử phạt hành chính trong hoạt động phân bón là rất cần thiết và nên sớm có hiệu lực.

Còn đối với hành vi kinh doanh các sản phẩm không có thương hiệu, không có đăng ký quy chuẩn, theo hình thức xử phạt hiện hành thì có thể giảm nhẹ. Vì bản thân người nông dân trình độ hạn chế, không phân biệt được đâu là tốt, đâu là hiệu quả, người kinh doanh chủ yếu đánh vào thị trường người tiêu dùng, thấy mặt hàng nào rẻ, người dân mua nhiều thì họ kinh doanh.

Để giữ được vị trí doanh nghiệp sản xuất và phân phối sản lượng phân bón, hóa chất lớn nhất cả nước, Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao đã đề ra những hướng phát triển quan trọng nào?

- Một là chúng tôi luôn luôn tìm cách cải tiến sản phẩm sao cho phù hợp với thị trường, đem lại hiệu quả cao nhất, tốt nhất cho bà con nông dân; đồng thời, cân nhắc giá cả phải phù hợp với điều kiện kiện kinh tế của nông dân – khách hàng chính của chúng tôi.

“Trước tình hình kinh tế khó khăn chung của cả nước, việc giảm thuế doanh nghiệp như Quốc hội đang cân nhắc xuống còn 20% là hợp lý để doanh nghiệp phân bón có điều kiện cạnh tranh sòng phẳng, góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia”.

Hai là, tận dụng nguồn nguyên liệu trong nước. Sản phẩm của công ty chủ yếu sản xuất từ nguồn quặng trong nước, đảm bảo được thế độc lập tự chủ. Phát huy các nguồn lực trong nước là một trong những yếu tố mà công ty đang hướng tới hiện nay.

Ba là, nâng cao khả năng cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại trong và ngoài nước, thậm chí ngay trong tập đoàn. Cạnh tranh trong nước để giải quyết bài toán lợi nhuận nhất cho công ty cũng như bà con nông dân.

Mặc dù có nhiều thuận lợi, song Công ty cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao cũng đã trải qua không ít rủi ro, như giá cả thị trường không ổn định. Việc dự trữ nguồn phân bón đáp ứng cho 2 vụ chiêm xuân lên đến 500 nghìn tấn không hề đơn giản vì công ty phải có nguồn tài chính lớn mới dự trữ được. Nếu giá phân bón vào mùa vụ hạ xuống so với giá khi đưa vào dự trữ thì doanh nghiệp sẽ bị thiệt hại nặng. Ví dụ năm 2008, giá lưu huỳnh mua vào 870 USD sau đó vào vụ tụt xuống còn 87 USD; kali nhập vào 15.000 – 16.000 đồng/kg, sau đó giảm xuống 8.000 – 12.000 đồng/kg. Nếu như không có sự phân bổ đúng, có thể doanh nghiệp sẽ bị sập tiệm, lỗ từ 500 – 700 tỷ đồng. Điều này được khắc phục bằng cách phân bổ dần cho những năm sau.

Xin cảm ơn ông!