Khôi phục lại hương ước làng
Yên Sở có 9 thôn với tổng diện tích đất tự nhiên 493,9ha/10.171 khẩu sinh sống. Năm 2010, Yên Sở được huyện Hoài Đức chọn làm xã điểm, khi đó xã mới đạt 7/19 tiêu chí và 4 tiêu chí cơ bản đạt. Có được kết quả này, là bởi người dân Yên Sở đã xây dựng NTM từ 15 năm trước bằng chính “hương ước làng”.
Ông Nguyễn Đăng Hoan – Bí thư Đảng ủy xã Yên Sở cho biết, làng Yên Sở (gốc làng Kẻ Giá) đã xây dựng hương ước từ hàng chục năm trước, nhưng do biến cố của lịch sử, bản hương ước quý giá của làng đã bị thất lạc. Sau nhiều lần bàn bạc, chính quyền và các cụ cao niên, bô lão trong làng đã họp quyết tâm khôi phục lại bản hương ước cổ.
Xã Yên Sở sẽ tập trung phát triển nông nghiệp theo mô hình sản xuất an toàn, công nghệ cao. |
Năm 1995, bản hương ước làng Yên Sở được hoàn thành, gồm 6 chương và 63 điều quy định khá đầy đủ những việc được và không được làm của người dân. Đặc biệt, hương ước nhấn mạnh đến vấn đề văn hóa, đạo đức, đạo lý gia đình, vệ sinh, trật tự an ninh làng xã… Không chỉ khôi phục, bản hương ước mới còn khắc phục được những quy định lạc hậu và vận dụng linh hoạt các điều mới vào cuộc sống.
Cưới văn minh, tang hỏa táng
Trước đây, ở các thôn của Yên Sở việc cưới xin, mừng thọ, ma chay thường được tổ chức rất linh đình, ăn uống dai dẳng tới vài ngày. Do đó, khi soạn thảo hương ước, ban soạn thảo đã rất lưu ý đến những vấn đề này. Cụ thể việc cưới xin khuyến khích tổ chức tại nhà văn hóa thôn, xóm chỉ trong một ngày, không mở loa đài quá 22 giờ đêm…
Ngoài ra, xã còn chọn ngày mùng 4 tết âm lịch hàng năm để làm lễ mừng thọ cho toàn thể các cụ trong xã. Năm 2012, xã đã tổ chức mừng thọ cho 157 cụ tại UBND xã. Về việc tang, đây là việc hiếu rất tế nhị, nên hương ước chỉ khuyến khích các hộ hỏa táng,dù vậy, tỷ lệ được đưa đi hỏa táng rất cao.
Ông Nguyễn Bá Hoàn – Phó Chủ tịch UBND xã Yên Sở cho biết, ngoài việc phát huy hương ước làng, để đẩy mạnh sản xuất, tăng trưởng kinh tế, bên cạnh việc phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, an toàn, xã đã tập trung vào phát triển làng nghề, dịch vụ. Nhờ đó, năm 2012 tổng thu nhập của xã đạt 279 tỷ đồng (tăng gần 6% so với năm 2011), thu nhập đạt 27,2 triệu đồng/người/năm.
Nam Tùng Sơn