Dân Việt

Đẩy nhanh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp

12/04/2013 09:25 GMT+7
(Dân Việt) - Hà Nội hiện có khoảng 4 triệu dân sống ở nông thôn, trong khi đất sản xuất lúa hàng năm chỉ có trên 200.000ha và diện tích này đang ngày càng thu hẹp do tốc độ đô thị hóa.

Vì vậy, việc áp dụng mô hình cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp nhằm tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Trung tâm Khuyến nông Hà Nội thực hiện.

Thực tế những năm gần đây cho thấy, kết quả của mô hình liên kết đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp không những góp phần giảm chi phí sản xuất đến 20%, mà còn tăng năng suất so với các thửa ruộng sản xuất theo phương thức truyền thống từ 15-20%. Theo ông Nguyễn Văn Chí-Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, riêng sản xuất lúa, tính trung bình mỗi ha lúa cấy bằng máy cho hiệu quả cao hơn cấy tay 7-8 triệu đồng. Tuy nhiên, muốn đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, bắt buộc phải thực hiện dồn điền đổi thửa để tạo những cánh đồng mẫu lớn.

img
Diện tích nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ đang gây khó khăn cho cho việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất ở Hà Nội.

Địa phương tiên phong và đạt hiệu quả cao nhất của thành phố là xã Đại Thắng, huyện Phú Xuyên. Đến nay, công tác dồn điền đổi thửa 100% diện tích đất sản xuất nông nghiệp đã thực hiện thành công nên việc tổ chức sản xuất và chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật mới khá thuận lợi. Hai năm gần đây, các vụ xuân, vụ mùa khi sử dụng mạ khay và cấy bằng máy cho năng suất cao, giảm chi phí sản xuất, bà con nông dân địa phương rất phấn khởi.

Hầu hết các hộ nông dân đều cho rằng, ngoài việc được Nhà nước hỗ trợ gần 70% giá trị tiền mua máy, các cán bộ khuyến nông còn tổ chức tập huấn kỹ thuật, phát tài liệu, hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, kỹ năng vận hành máy móc, kỹ thuật kiểm tra bảo dưỡng duy tu máy móc trong quá trình vận hành… Ông Phạm Văn Hùng - Chủ tịch xã Đại Thắng cho biết: Hiện toàn xã có 8 máy cấy, 6 máy làm đất 34 mã lực, đội ngũ xã viên có đủ năng lực và làm chủ kỹ thuật để triển khai cơ giới hóa trên đồng ruộng.

Những năm qua, tốc độ đô thị hóa nhanh, diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, thanh niên chủ yếu đi làm tại các khu công nghiệp hoặc ra thành thị làm thuê nên vào mùa vụ, lao động địa phương rất thiếu. Có thời điểm phải thuê nhân công cấy với giá cao 200.000 - 250.000 đồng/ngày nên việc sớm đưa máy móc hiện đại vào sản xuất nông nghiệp là cần thiết. Tuy nhiên, trên thực tế không phải địa phương nào cũng triển khai được.

Trong Đề án “Phát triển cơ giới hóa nông nghiệp TP. Hà Nội giai đoạn 2012-2016, định hướng đến năm 2020” sẽ đẩy mạnh cơ giới hóa ở khâu làm đất, phấn đấu đạt 90 - 95% diện tích, khâu gieo cấy đạt 40 - 45%, khâu thu hoạch đạt 45 - 50%. Tuy nhiên, theo TS Phan Huy Thông-Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, không riêng gì TP.Hà Nội mà các địa phương khác trong cả nước cũng gặp khó khăn. Do diện tích đất nông nghiệp khá manh mún, nhỏ lẻ, đa số các hộ có từ 4-5 ô thửa, diện tích lại không bằng phẳng, nông dân vẫn có thói quen canh tác theo lối truyền thống nên đưa cơ giới hóa vào sản xuất còn chậm.