Dân Việt

Virus H7N9 có thể lây sang động vật có vú

13/04/2013 06:40 GMT+7
(Dân Việt) - Đây là nhận định của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khi làm việc với Bộ Y tế Việt Nam về việc hợp tác phòng chống cúm A/H7N9 ngày 12.4.

Cùng ngày, Bộ Y tế đã tổ chức tập huấn phác đồ chẩn đoán và điều trị cúm A/H7N9 cho một số bệnh viện.

Còn quá nhiều dấu hỏi

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định, chưa tìm thấy virus H7N9 ở gia cầm, cũng chưa xuất hiện trên người tại Việt Nam. Tuy nhiên, nguy cơ bùng phát cúm này vẫn rất cao, các loại cúm khác như H1N1, H3N2, H5N1 vẫn rình rập đe dọa.

Vừa có một bé trai ở Đồng Tháp tử vong vì H5N1. Tỉnh Ninh Thuận cũng đang có hàng ngàn con chim yến bị chết vì virus H5N1. "Hiện Bộ Y tế chỉ đạo xét nghiệm virus trên đàn yến chết, tuy nhiên chưa tìm thấy virus H7N9 mà chủ yếu là H5N1" - Thứ trưởng Long cho biết.

img
Kiểm tra công tác chuẩn bị điều trị cúm A/H7N9 tại Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư.

Còn TS Takeshi Kasai-Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam - thông tin thêm, các nghiên cứu gen cho thấy, virus H7N9 giống gen cúm H9N2 và có các dấu hiệu thay đổi để thích ứng với động vật có vú. Như vậy, trong thời gian tới, không chỉ gia cầm và chim hoang dã có virus H7N9 mà cả động vật có vú cũng có thể bị nhiễm. Khả năng lây lan thành dịch lớn trên cả loài lông vũ, động vật có vú và người là rất lớn. Tại thời điểm này, chưa xác định được ổ bệnh, nguồn lây và phương thức lây nhiễm sang người, kinh nghiệm điều trị trên bệnh nhân chưa có, tỷ lệ tử vong cao (khoảng 27%) và tỷ lệ bệnh nặng cao (trên 50%).

"Hiệu quả của thuốc kháng virus Tamiflu đối với cúm A/H7N9 chưa được đánh giá. Vì thế, H7N9 còn có quá nhiều dấu hỏi lớn, đòi hỏi chúng ta phải theo dõi chặt chẽ và tiếp tục nghiên cứu" - TS Takeshi nói.

Nghi lây từ người sang người

Tính đến ngày 12.4, Trung Quốc đã có 38 trường hợp nhiễm cúm A/H7N9, trong đó 10 trường hợp tử vong và hơn 20 ca bệnh nặng. Các ca mắc nằm rải rác trên diện rộng tại 4 tỉnh, thành Trung Quốc. Tất cả các trường hợp mắc cúm A/H7N9 đều có triệu chứng viêm đường hô hấp tiến tới viêm phổi và suy hô hấp. Hiện nay mới chỉ có 1 trường hợp khỏi bệnh.

TS Scott Newman, điều phối viên cao cấp của Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO) cho biết, loại virus này khó phát hiện ở gia cầm hơn các loại virus khác. Hiện H7N9 mới được phát hiện ở gia cầm, chim bồ câu và chim cút.

Việc virus tồn tại trên cả chim nuôi và chim hoang dã khiến cho việc kiểm soát dịch, phát hiện nguồn lây và phòng ngừa lây lan rất khó khăn. Đây là mối đe dọa nguy hiểm với sức khỏe con người và hệ sinh thái đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa nhiều tổ chức, nhiều quốc gia để ứng phó. Hiện nay, FAO đang tiến hành nhiều hỗ trợ đối với Bộ NNPTNT để ứng phó với virus H7N9 trong việc giám sát dịch bệnh trên gia súc, gia cầm. "Hiện đã có vaccin phòng chống virus H7N9 tuy nhiên FAO vẫn chưa khuyến nghị tiêm vaccin với chủng virus H7N9 mà cần có thêm các nghiên cứu" - TS S.Newman cho biết.

Được biết, nhà chức trách Trung Quốc tuyên bố đang điều tra khả năng virus H7N9 lây lan giữa người trong một gia đình tại nước này. Nếu đây là sự thật thì virus H7N9 có khả năng lây nhiễm từ người sang người. Lúc đó, kịch bản phòng chống cúm A/H7N9 sẽ phải nâng lên cấp độ mới.