Dân Việt

Cần 4.000 tỷ đồng chống hạn lịch sử

13/04/2013 06:59 GMT+7
(Dân Việt) - Đây là nhu cầu kinh phí 46 tỉnh, thành cần trong thời điểm hiện tại để phòng chống hạn hán đang diễn ra nghiêm trọng.
img
 

Ông Đặng Duy Hiển (ảnh) - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý công trình thủy lợi (Tổng cục Thủy lợi Bộ NNPTNT) cho biết như vậy.

Ông Hiển cũng cho biết tiếp: Theo báo cáo của các địa phương, đến nay diện tích cây trồng vụ đông xuân 2012-2013 bị hạn hán, xâm nhập mặn lên tới 117.232ha tăng so với tuần trước, trong đó mất trắng 7.263ha.

Khu vực Bắc Trung Bộ hiện Quảng Trị có 15.280ha cây trồng bị thiếu nước hạn hán, trong đó có 1.500ha sắn bị chết, diện tích cà phê đang ra hoa bị hạn dẫn đến giảm năng suất, có thể mất trắng. Toàn khu vực Nam Trung Bộ có 14.267ha cây trồng bị thiếu nước, hạn hán và xâm nhập mặn, trong đó hạn nặng, mất trắng 390ha lúa. Khu vực Tây Nguyên toàn vùng hiện có 75.686ha cây trồng bị thiếu nước và hạn hán. Mặc dù có một số điểm mưa cục bộ nhưng hầu như không cải thiện được nhiều.

Thời gian qua, phần lớn các địa phương đều phản ánh, việc thiếu nước trong thời gian qua ngoài vấn đề thời tiết, còn do các hồ thủy điện không chịu xả nước. Tổng cục Thủy lợi đã làm rõ vấn đề này chưa, thưa ông?

- Hầu hết các hồ chứa thủy lợi, thủy điện vừa và lớn trong vùng đều có dung tích thấp hơn nhiều so với thiết kế, nhiều hồ chứa nhỏ đã cạn hoặc gần xuống đến mực nước chết không đủ tưới suốt vụ. Ở khu vực Đông Nam Bộ, tỉnh Bình Phước có 10.644ha cây trồng bị thiếu nước và hạn hán. Đến nay, báo cáo sơ bộ về thiệt hại do hạn hán gây ra đối với sản xuất nông nghiệp khoảng 1.200 tỷ đồng. Nhiều hồ chứa ở Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đã ở mực nước chết, hầu hết các hồ chứa nhỏ cạn kiệt tới đáy.

Trước tình hình trên, từ cuối tháng 3 đến nay, chúng tôi đã tham mưu để Tổng cục Thủy lợi lập các đoàn công tác phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Cục Trồng trọt tổ chức các cuộc họp thống nhất với các địa phương lịch tăng xả qua phát điện của các các nhà máy thủy điện thuộc các lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn, Serepok, sông Ba Hạ… khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên phục vụ chống hạn cuối vụ đông xuân và hè thu; đồng thời làm việc với Cục Điều tiết Điện lực để phối hợp chỉ đạo.

img
 

So với những năm trước, tình hình hạn hán tính đến thời điểm này đã thực sự khốc liệt?

- Ở Tây Nguyên, tháng 4 mới bước vào mùa mưa; còn ở đồng bằng sông Cửu Long hết tháng 7, miền Trung hết tháng 8 và ở Đông Nam Bộ hết tháng 9 mới bước vào mừa mưa. Vì thế, hạn hán năm nay dự báo sẽ còn diễn biến phức tạp bởi mùa khô còn kéo dài và thiệt hại vẫn tăng lên, hạn sẽ khốc liệt hơn so với hiện tại. Tuy nhiên, so với những năm hạn hán nghiêm trọng như 2005, 2007 thì mức độ thiệt hại của năm nay chỉ bằng 50 - 70%.

Trước tình hình hạn hán khốc liệt, nhất là tại khu vực miền Trung- Tây Nguyên, từ đầu tháng 3, Bộ NNPTNT đã lập 4 đoàn công tác để kiểm tra tình hình hạn hán. Đồng thời, Bộ trưởng Bộ NNPTNT cũng yêu cầu Tổng cục Thủy lợi trực tiếp làm việc với các địa phương để xử lý việc điều tiết nước của các hồ chứa, kể cả các hồ thủy điện, phục vụ công tác chống hạn; chỉ đạo các địa phương thực hiện các giải pháp kỹ thuật để tiết kiệm nước trong tưới tiêu, nâng cao hiệu quả sử dụng các công trình thủy nông; phổ biến công nghệ tưới tiên tiến như: Tưới nhỏ giọt, tưới thấm…

Trước tình hình thời tiết ngày càng bất thường theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, Bộ NNPTNT đã sớm có khuyến cáo chuyển đổi cơ cấu cây trồng và cảnh báo trước những nguy cơ do hạn hán gây ra, nhưng tại sao những thiệt hại về sản xuất nông nghiệp vẫn không ngừng tăng, thưa ông?

- Theo báo cáo sơ bộ của 46 tỉnh thành, nhu cầu kinh phí cần phòng chống hạn đã lên tới 4.000 tỷ đồng. Ở các tỉnh vẫn có tình trạng đưa ra kế hoạch diện tích sản xuất vượt so với lượng nước hiện có nên khi xảy ra hạn không có phương án điều tiết nước để cứu cây trồng.

Hơn nữa, nhiều công trình thủy lợi, nhất là hệ thống thủy lợi nhỏ nội đồng đã xuống cấp nghiêm trọng; trình độ vận hành, quản lý công trình kém, kỹ năng lập lịch phân phối nước chưa hợp lý… dẫn đến tình trạng hạn hán cục bộ ngày càng nhiều. Đặc biệt, ở một số địa phương, do lúa được giá nên bà con nông dân vẫn mạnh dạn xuống giống ở những nơi nguồn nước tưới bấp bênh.

Xin cảm ơn ông!