Ông đánh giá như thế nào về tình hình sản xuất kinh doanh buôn bán phân bón ở Việt Nam hiện nay?
- Từ một nước nhập khẩu phân bón là chính, đến bây giờ Việt Nam cơ bản có thể tự túc được phân bón để phục vụ trong sản xuất nông nghiệp và tiến tới xuất khẩu được một số sản phẩm phân bón. Đây là một tín hiệu đáng mừng, phấn khởi và tự hào. Hiện nay, hệ thống sản xuất của chúng ta đã được bố trí, mở rộng sản xuất, cung ứng từ Bắc chí Nam, do vậy nông dân sẽ không phải lo lắng vì thiếu phân bón vào mùa vụ nữa.
Tuy nhiên để phát triển bền vững và hạn chế những tiêu cực ngành phân bón cần giải quyết triệt để một số tồn tại về quy hoạch về sản xuất; xây dựng các văn bản pháp luật;… Hiện nay thực trạng phân bón kém chất lượng, phân bón giả vẫn còn tồn tại và ngày càng tinh vi hơn, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp làm ăn chân chính, đến nông dân, mùa màng, và ảnh hưởng đến cả môi trường. Thực trạng này cần thiết phải lên án, xử lý, phải tiêu diệt cả mầm mống, tư tưởng định làm ăn gian dối.
Ông có thể nói rõ những bất cập lớn đang tồn tại trong quản lý sản xuất kinh doanh phân bón?
- Thời gian qua các cơ quan quản lý nhà nước đã cố gắng để xử lý những tồn tại bất cập của ngành. Tuy vậy, vẫn còn những hiện tượng tiêu cực trong sản xuất buôn bán, từ đó buộc chúng ta suy nghĩ rằng bất cập ở đâu?
Tôi nghĩ hiện nay có 3 bất cập lớn đang tồn tại trong quản lý sản xuất kinh doanh phân bón. Thứ nhất, văn bản quy phạm pháp luật của chúng ta vẫn chưa đầy đủ, chưa hoàn thiện. Thứ hai, việc phân cấp quản lý chất lượng phân bón (ngay cả việc quản lý chất lượng) cũng chưa thật sự rõ ràng, chồng chéo mà thường thì “cha chung không ai khóc”. Vì vậy cần phân cấp chức năng, nhiệm vụ cho từng bộ, ban, ngành rõ rang cụ thể hơn, không thể giao cho nhiều bộ cùng quản lý chất lượng phân bón được. Thứ ba, chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe, chưa đủ sức tiêu diệt, ngăn chặn mầm mống làm ăn phi pháp.
Đóng gói sản phẩm tại Công ty Phân lân Văn Điển. |
Theo ông, để giải quyết căn bản những bất cập tồn tại lớn đó, 2 nghị định về quản lý và xử phạt sản xuất kinh doanh phân bón (mà Chính phủ đang giao cho Bộ Công Thương dự thảo) cần phải chỉnh sửa, bổ sung những nội dung nào?
- Việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật nói chung của các bộ đều chậm so với tiến độ, chậm so với yêu cầu cũng như kế hoạch đã đề ra. Vì vậy công việc đầu tiên là phải nhanh chóng ban hành 2 nghị định trên. Về nội dung của nghị định phân bón, cần đề cập tới 3 vấn đề cốt lõi: Thứ nhất, sản xuất kinh doanh phân bón phải là mặt hàng có điều kiện, phải đưa ra được chế tài, quản lý các mặt hàng sản xuất kinh doanh có điều kiện. Thứ hai, nghị định đó phải quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng bộ, ngành để không chồng chéo. Thứ ba, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chất lượng phải có một cách có hệ thống thống nhất và phải được pháp luật bảo lãnh, có như vậy thì hiệu lực mới cao.
Còn chế tài xử lý thì rõ ràng phải đủ mạnh để đủ sức răn đe, đủ sức hạn chế hiện tượng tiêu cực về sản xuất và kinh doanh phân bón. Vừa rồi Bộ Công Thương đã đưa ra dự thảo Nghị định xử phạt hành chính trong hoạt động phân bón để nhân dân góp ý, trong đó có đề cập mức xử phạt cao nhất được áp dụng đối với hành vi sản xuất, gia công phân bón giả là từ 120 – 150 triệu đồng; đối với hành vi kinh doanh phân bón giả mức phạt cao nhất là từ 80 – 90 triệu đồng... Tôi thấy như vậy là phù hợp.
Nhiều doanh nghiệp sản xuất phân bón lớn có ý kiến rằng hiện nay kiểm định chất lượng phân bón đang có nhiều vấn đề, kiểm định rất lỏng lẻo, đội ngũ kiểm định vừa thiếu vừa yếu về mặt chuyên môn, máy móc công nghệ kiểm định sơ sài. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
- Tôi hoàn toàn chia sẻ những đánh giá đó của doanh nghiệp, bởi vì những đánh giá đó là chính xác. Đúng là hiện nay trong kiểm định chất lượng phân bón đang có vấn đề cần giải quyết. Có những kiểm định cùng một mẫu nhưng ở mỗi phòng kiểm định lại cho ra những kết quả khác nhau khiến cho lực lượng xử lý lúng túng. Hiện nay đội ngũ làm công tác kiểm nghiệm và thiết bị kiểm nghiệm còn đang yếu kém và có nhiều hạn chế, họ cần phải được đào tạo, máy móc kiểm định phải được nâng cấp và hiệu chỉnh hóa để nó có chung một quy chuẩn, quy định, để mẫu kiểm định có chung một kết quả. Chứ với cách làm như hiện nay, doanh nghiệp họ bức xúc, phàn nàn là đúng thôi.
Xin cảm ơn ông!
Sản xuất phân bón rởm có thể bị phạt 15 năm tù
Vụ vừa qua tôi mua phân đạm về bón lúa, sau một thời gian chẳng những lúa càng ngày càng còi cọc mà đất ruộng còn nổi váng khê đặc quánh.Vậy là mất ăn. Người bán phân sẽ bị xử lý thế nào? (Trần Văn Thanh, huyện Cờ Đỏ, Cần Thơ)
Thạc sĩ Luật Nguyễn Đức Hùng, Công ty Luật Hợp danh Hồng Bách và Cộng sự trả lời:
Thời gian qua, mặc dù các cơ quan chức năng đã ráo riết kiểm tra, phát hiện, xử lý rất nghiêm khắc nhiều vụ sản xuất, kinh doanh phân bón giả, nhưng việc sản xuất, kinh doanh phân bón giả hiện nay vẫn diễn biến biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Bởi vậy ngoài việc tìm hiểu, lựa chọn khi mua hàng, người mua cần hiểu những quy định của pháp luật để tự bảo vệ mình.
Nghị định số 15/2010/NĐ-CP ngày 1.3.2010 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón quy định: Đối với hành vi sản xuất, gia công phân bón giả, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, sẽ bị phạt từ 40 triệu đồng đến 150 triệu đồng; đối với hành vi kinh doanh phân bón giả bị phạt từ 1 triệu đồng đến 100 triệu đồng. Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị tịch thu tang vật, phương tiện, buộc tiêu hủy phân bón giả không có giá trị sử dụng, công dụng, không đảm bảo an toàn sử dụng.
Nếu hành vi sản xuất, buôn bán phân bón giả với số lượng lớn hoặc gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi quy định tại một trong các điều 153, 154, 155, 156, 157, 158, 159 và 161 Bộ luật Hình sự hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 158 Bộ luật Hình sự về “Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi”. Tùy theo tính chất và mức độ vi phạm, người phạm tội này có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng hoặc phạt tù 1 năm đến 15 năm. Ngoài những hình phạt nêu trên, người phạm tội có thể phải chịu các hình phạt bổ sung như: Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm.
Như vậy, nếu phân bón giả có số lượng đặc biệt lớn hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, thì người sản xuất, buôn bán phân bón giả có thể bị phạt tù đến 15 năm.
Lê Chiên (ghi)
Đình Thắng - Hoàng Huệ (thực hiện)