Hôm qua, phóng viên Dân Việt có mặt tại xóm 6, xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, Hà Nội và được nghe người dân nơi đây bàn tán xôn xao về việc ông Lai "bán kính" bỗng dưng nổi tiếng khi vào tận Khánh Hòa để gửi ngân hàng 10.000 tỷ đồng.
Chỉ là anh bán kính
Chúng tôi vào một quán nước trước cổng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, gần với quán bán kính của ông Lai. Chị bán hàng tên Hoa xởi lởi chuyện trò: "Tôi ra đây mở cửa hàng bán nước đã 5 năm. Gia đình ông Lai mở cửa hàng bán kính mắt từ trước đó.
Cửa hàng kính thuốc Lộc Lai của vợ chồng ông Lai. |
Ông Lai là người hiền lành, chẳng bao giờ có chuyện gì va chạm với hàng xóm, láng giềng. Mấy hôm trước khi có anh tài xế taxi tên Thanh hay uống nước ở quán tôi mang tờ báo vào đọc, tôi mới biết chuyện "động trời" này. Tôi chả tin ông ấy có số tiền lớn như thế”.
Cũng tại quán nước trà này, một người khác cho rằng, ông Lai cùng một số đối tượng lừa đảo ngân hàng để chiếm đoạt tiền, người thì nói ông chỉ là nạn nhân bị kẻ xấu lợi dụng... Mỗi người có một "ý kiến riêng" nhưng chốt lại, những người biết ông Lai đều không tin người đàn ông 53 tuổi này có được số tiền lớn đến như vậy. Kể cả việc ông Lai có quen một "đại gia" nghìn tỷ cũng là điều khó tin với họ.
Trao đổi với phóng viên, Trung tá Đỗ Ngọc Dung - cảnh sát phụ trách địa bàn Trạm công an Nông lâm (Công an huyện Từ Liêm) cho biết: "Ông Lai chưa từng có tiền án, tiền sự gì. Gia đình ông từ trước đến giờ đều sống nhờ vào cửa hàng kính thuốc mở tại ngôi nhà ở mặt đường 69. Con cái ông cũng học hành ngoan ngoãn".
"Chồng tôi không phải đại gia"
Cửa hàng Kính mắt thuốc Tràng Tiền Lộc Lai khá cũ kỹ và được xây dựng theo kiểu nhà cấp 4, lợp mái fibro xi măng. Đáng chú ý nhất ở cửa hàng này có lẽ là hệ thống máy đo mắt tự động để ngay gần cửa ra vào.
Tiếp chúng tôi, bà Nguyễn Thị Tỵ- vợ ông Lai, không thể hiện chút nào sự lo lắng. Bà Tỵ cho biết: "Vừa lúc nãy chồng tôi có gọi điện về. Ông ấy bảo mọi việc đã giải quyết xong, không có gì phải lo lắng. Chỉ dăm hôm nữa xong việc là ông ấy về. Ông ấy bảo mình không làm gì phạm pháp, chỉ là người môi giới, được thì hưởng hoa hồng, không được thì thôi".
Theo bà Tỵ, trước đây vợ chồng bà đều là công nhân của Xí nghiệp Cầu 9 thuộc Liên hiệp Cầu Thăng Long. Khi về nghỉ hưu, ông Lai thì đi bán kính ngoài phố, còn bà Tỵ thì ở nhà mở cửa hàng bán cơm, phở để nuôi các con ăn học. Về sau thấy chồng phải đi bán hàng vất vả, bà Tỵ mới mở cửa hàng kính tại nhà để cho ông Lai trông nom.
Bà Nguyễn Thị Tỵ - vợ ông Lai
Đến năm 2002, sau khi xây dựng lại nhà, bà thôi không bán cơm, phở nữa. Cả gia đình lúc này chỉ trông vào thu nhập từ cửa hàng kính thuốc. Bà Tỵ chia sẻ: "Ở đây tuy đông sinh viên, nhưng thu nhập cũng chỉ đủ để nuôi sống gia đình.
Có ngày đông khách thì được một vài trăm nghìn, có ngày mưa gió như hôm nay thì chẳng có khách nào. Ngoài ra, nhà tôi đất rộng đến 400m2 nên có trồng thêm gần chục gốc bưởi Diễn. Tết đến thu hoạch bán đi cũng thêm được một khoản thu nhập. Rau tự trồng, gà tự nuôi nên ăn uống cũng không đến nỗi thiếu thốn".
Vợ chồng bà Tỵ có hai người con. Người con trai lớn đang học năm thứ 2 Học viện Quân y. Cô con gái nhỏ đang học lớp 9. Sự việc xảy ra với ông Lai cũng làm cho những người thân trong gia đình khá mệt mỏi với dư luận xã hội.
Dẫu vậy, bà Tỵ vẫn vững tin: "Cả tôi và các con đều tin rằng chồng tôi không có tội. Đây là lần đầu tiên chồng tôi làm công việc như thế này. Sau khi sự việc xảy ra, ông ấy về nhà và khẳng định là sẽ không tiếp tục làm việc với Ngân hàng SHB nữa. Hiện đã có một ngân hàng khác nhận vay số tiền này (?)".
Thông tin từ gia đình cho biết, ngày 19-12, ông Lai đã vào Khánh Hòa để giải quyết sự việc theo yêu cầu của phía cơ quan điều tra. Hiện tại, chủ nhân đích thực của số tiền khổng lồ 10.000 tỷ đồng này vẫn còn là một điều bí ẩn.
Nguyễn Thắng