Anh Trương Văn Đức đang miệt mài nặn tượng thú. |
Nỗi khổ chất chồng
Huyện Lộc Ninh (Bình Phước) từng hứng chịu nhiều đợt chất độc da cam do Mỹ rải xuống. Di chứng của thứ vũ khí không tiếng nổ này sau hơn một phần ba thế kỷ đang trở thành nỗi đau cho bao gia đình vốn đã nghèo lại càng nghèo hơn.
Theo ông Phùng Đức Mỵ- Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam Lộc Ninh, đến năm 2010 toàn huyện có 600 người mắc các chứng bệnh do chất độc da cam gây nên như tiểu đường, thoái hóa các đốt sống, ung thư... Thậm chí con cái một số nạn nhân cũng bị di chứng. Chị Phan Thị Xuân sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng ở huyện Duy Xuyên (Quảng Nam), lên 4 tuổi, chị cùng gia đình chạy vào xã Lộc Điền, Lộc Ninh lánh nạn, cha mẹ chị tiếp tục tham gia kháng chiến. Năm 1973 chị gia nhập lực lượng vũ trang huyện, sau giải phóng chị xây dựng gia đình với người đồng đội quê Củ Chi (TP.HCM).
Oái oăm thay, cả hai vợ chồng chị đều nhiễm chất độc da cam nên sinh được ba đứa con thì cả ba đều mù, cơ thể phát triển không bình thường. Chán nản trước hoàn cảnh gia đình, người cha nhẫn tâm "chạy trốn" để lại cho chị gánh nặng không gì bù đắp nổi. "Hàng chục năm nay toàn bộ cuộc sống của 4 mẹ con chỉ trông vào tiền trợ cấp chất độc da cam hàng tháng, trong khi mẹ con tôi không có thước đất sản xuất, căn nhà tá túc cũng là "nhà tình thương" - chị Xuân nói trong nước mắt.
Năm 1970 ông Nguyễn Văn Công ở thị trấn Lộc Ninh thoát ly lên công tác ở ban Kinh tài của T.Ư Cục miền Nam. Do mang nhiều căn bệnh từ hậu quả chất độc da cam nên vợ chồng ông sinh được 4 con thì 2 con bị di chứng chất độc da cam, trong đó đứa con tên Bình (SN 1983) hoàn toàn không có khả năng tự sinh hoạt. Ông Công qua đời, bà Bông - vợ ông phải nuôi 2 con bằng đồng lương hộ lý trạm xá ít ỏi và tiền trợ cấp chất độc da cam.
Vượt lên chính mình
Từ năm 1972, ông Trương Văn Đắp ở xã Minh Hòa, huyện Kim Môn (Hải Dương) đã tham gia chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị, đường 9 Nam Lào. Hậu quả chất độc da cam tại chiến trường không chỉ làm ông mắc nhiều chứng bệnh mà 2 con ông là Trương Văn Đức (SN 1976) và Trương Văn Hạnh (SN 1982) đều bị di chứng liệt cả hai chân. Năm 1985, ông Đắp đưa vợ và các con vào lập nghiệp ở xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành (Bình Phước).
Không đầu hàng trước đói nghèo và thất học của con, ngày ngày vừa đi làm mướn mưu sinh vợ chồng ông vừa thay nhau cõng 2 con tới trường. Tốt nghiệp PTTH Hạnh được nhận vào khoa Dược Trường Y tế Quân khu 7. Năm 2007, Hạnh được cha mẹ tạo điều kiện mở cửa hàng bán thuốc tây, hai năm sau Hạnh tổ chức đám cưới. "Tình yêu trở thành điểm tựa giúp tôi chiến thắng chất độc da cam và sống có ích cho mình và cho gia đình"- Hạnh tâm sự.
Người anh của Hạnh là Trương Văn Đa cũng không cam chịu nỗi đau chất độc da cam. Được một cơ sở sản xuất mỹ nghệ ở TP.HCM đón về hướng dẫn kỹ thuật nặn tượng thú, Đa nhanh chóng nhập cuộc và trở thành "nghệ nhân" nặn tượng thú. Sản phẩm tinh xảo và đẹp mắt do Đa sáng tạo được khách hàng ở TP. HCM lên bao tiêu.
Ở xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành không chỉ có hai anh em ruột Đa, Hạnh vượt lên nỗi đau chất độc da cam mà còn có anh Lê Chí Thanh, bị di chứng chất độc da cam từ người cha là Lê Chí Thực nhưng cũng không ỷ vào tiền trợ cấp của nhà nước. Thanh tự học cắt tóc rồi mở tiệm ngay trong khu dân cư bên đường Quốc lộ 13. Hàng ngày Thanh cũng kiếm được vài chục nghìn đồng từ bàn tay khéo léo.
Khuynh Diệp