Dạy nghề mây tre đan ở ĐBSCL. |
Địa phương đã sẵn sàng…
Với gần 60 cơ sở đào tạo nghề cùng đội ngũ giảng viên hơn 640 người, TP.Cần Thơ được coi là một trung tâm thực sự mạnh cả về chất lượng lẫn số lượng đầu ra trong công tác đào tạo nghề lao động của khu vực ĐBSCL. Trong giai đoạn 2006 - 2009, các cơ sở đào tạo nghề của thành phố này đã cho "ra lò" hơn 15.000 lao động. Ước tính trên 70% lao động sau đào tạo đều đã tìm được việc làm ngay và có thu nhập ổn định. Vì vậy, khi bắt tay xây dựng Đề án đào tạo nghề lao động nông thôn giai đoạn từ nay đến 2020, Cần Thơ được chọn làm "điểm chỉ đạo" cho cả khu vực ĐBSCL.
Hiện tại TP.Cần Thơ là đơn vị duy nhất cả nước tiến hành xong bước điều tra, khảo sát và đánh giá nhu cầu đào tạo nghề lao động nông thôn trên địa bàn làm căn cứ xây dựng Đề án. Theo đó, đến năm 2020, thành phố sẽ cần một lực lượng lao động qua đào tạo ước tính từ 15.000 - 20.000 người/năm.
Sở LĐ-TB&XH Đồng Tháp cũng cho biết, các bước chuẩn bị triển khai Đề án này đang được triển khai gấp rút, đặc biệt là việc "nâng chất" các cơ sở đào tạo. Hiện tỉnh này đang chuẩn bị khánh thành công trình nâng cấp 3 trung tâm dạy nghề cấp huyện (Cao Lãnh, Thanh Bình và Lấp Vò) thành Trường Trung cấp nghề với tổng mức đầu tư trên 330 tỷ đồng, quy mô đào tạo trên 3.600 lao động/năm.
Hai trung tâm dạy nghề khác cũng sẽ được nâng cấp thành Trường Trung cấp nghề và đưa vào sử dụng vào đầu năm 2011 (Châu Thành và Tân Hồng), ước tính cũng sẽ bổ sung cho tỉnh này trên 2.000 lao động có tay nghề mỗi năm. Ngoài ra, một doanh nghiệp trong tỉnh vừa triển khai xây dựng trường trung cấp nghề với quy mô đào tạo từ 1.500 người/năm.
Một trong những thế mạnh của công tác đào tạo nghề tại Đồng Tháp chính là lao động có việc làm luôn đạt trên 80%.
Vẫn nhiều vướng mắc
Quyết định 1956 đã có hiệu lực hơn 6 tháng nhưng vẫn thiếu văn bản hướng dẫn từ T.Ư. Theo quy định mới hiện nay, mỗi giảng viên đào tạo nghề sẽ được hỗ trợ 2 - 3,5 triệu đồng/khóa (tùy đối tượng đào tạo). Tuy nhiên, đến nay các giảng viên ở địa phương vẫn chỉ nhận mức hỗ trợ cũ (không quá 1,5 triệu đồng/người/tháng). Đại diện một số Sở LĐ-TB&XH cho biết, việc tính chế độ chi trả cho giảng viên theo quyết định mới không được Sở Tài chính duyệt chi, vì không có thông tư hướng dẫn (?).
Công tác đào tạo nghề cho người khuyết tật cũng gặp nhiều khó khăn. Hiện theo khảo sát của NTNN, hầu hết các cơ sở đào tạo này đều "dùng chung" hoặc mượn tạm cơ sở đào tạo của các đối tượng khác. Điều kiện nhiều nơi rất khó khăn, thiếu thốn, không phù hợp nên cản trở người tàn tật tham gia… Theo quy định, ngân sách chỉ chi hỗ trợ cho học viên (nói chung) chứ không có đối tượng học viên "người tàn tật" và hoàn toàn không có khoản hỗ trợ nào cho cơ sở vật chất đặc thù và khâu chăm sóc, hỗ trợ người tàn tật tham gia học nghề (?). Trong khi đó, ước tính hiện nay mỗi tỉnh có từ 2.000-3.000 người tàn tật đang có nhu cầu học nghề.
Bộ LĐ-TB&XH còn yêu cầu một số địa phương xây dựng Đề án đào tạo nghề lao động nông thôn riêng của từng địa phương. Điều này mất rất nhiều thời gian và công sức cũng như cần sự tham gia của nhiều người. Chỉ riêng các bước "thủ tục" nói trên đã mất khoảng 1 năm nữa mới có thể triển khai!
Bên cạnh đó, một trong những khó khăn của các tỉnh, thành hiện nay là sự tham gia và vai trò khá mờ nhạt của các doanh nghiệp trong công tác đào tạo nghề. Điều này cho thấy, Đề án cần được quảng bá rộng rãi hơn nữa, đặc biệt thu hút cho được sự tham gia của các đối tượng sử dụng lao động sau đào tạo.
Quốc Huy