Ngỡ ngàng hay kinh ngạc là điều dễ hiểu nếu biết rùa tai đỏ chính là 1 trong 100 loại xâm hại nguy hiểm nhất thế giới.
Xin được nhắc lại rằng, không phải đến rùa tai đỏ dư luận mới giật mình cho kiểu quản lý - ở đây là quản lý nhập khẩu - không giống ai của VN. Chúng ta hẳn chưa quên những câu chuyện đau lòng từ việc thẩm tra vội vàng, ký nhập vội vàng, nên mới có chuyện ốc bươu vàng, chuột hải ly, cá dữ Nam Mỹ... tràn vào ruộng đồng của đất nước.
Việc nhập khẩu rùa độc của doanh nghiệp có thể được lý giải đơn giản do chạy theo lợi nhuận. Nhưng vì lợi nhuận để bất chấp sự an nguy của môi trường, của cuộc sống người dân là điều không thể chấp nhận. Chỉ cần số ít trong 24.000 con rùa độc trốn ra môi trường, chắc chắn chúng sẽ để lại những hậu quả tai hại về môi trường, về sức khoẻ của người dân do trong cơ thể chúng mang vi khuẩn salmonella... Bên cạnh rất nhiều doanh nhân, doanh nghiệp đang nỗ lực vì mục tiêu tốt đẹp, vẫn còn không ít doanh nghiệp kinh doanh bất chấp thủ đoạn, bất chấp những sản phẩm của mình gây tổn hại cho xã hội, cho môi trường. Đây là điều khó chấp nhận, cần phải bị xử lý.
Doanh nghiệp bị lên án thì cơ quan quản lý nhà nước, trực tiếp là cơ quan cấp phép nhập khẩu rùa độc cũng không thể vô can. Dư luận có quyền đặt câu hỏi về sự móc ngoặc, đi đêm giữa cơ quan cấp phép với doanh nghiệp. Nếu không có như vậy, phải chăng là cơ quan chuyên môn nhưng lại không có... chuyên môn hoặc năng lực thẩm định có vấn đề?
Bài học về chuột hải ly, ốc bươu vàng, cá dữ Nam Mỹ... còn sờ sờ ở đó, vậy mà vẫn có doanh nghiệp, cơ quan rkhông chịu học hoặc học mãi vẫn không thuộc!
Văn Hoài