Giải ngân vốn chương trình cho vay HS-SV tại điểm giao dịch xã Vạn Linh (Chi Lăng, Lạng Sơn). |
Con cái học hành giỏi giang bố mẹ mừng là điều hiển nhiên. Nhưng với chị Chu Thị Nhiệt, thôn Lương Thác, xã Nhạc Kỳ (Văn Lãng) lại khác. Từ khi lên cấp III, cháu Chu Thị Thơm - con gái chị Nhiệt học ngày càng khá. Phấn khởi, nhưng trong lòng chị lúc nào cũng nặng trĩu nỗi lo. Chồng mất sớm, sức chị chỉ nuôi được cháu học hết cấp III. Nếu cháu thi đỗ ĐH chẳng biết lấy đâu ra tiền để ăn học.
Không phải bán trâu nữa
"Khi cháu học lớp 12, mấy bác cán bộ ngoài xã đến nhà động viên tôi cứ cho cháu đi thi, đỗ thì nhà nước cho vay tiền đi học. Tôi như trút được gánh nặng. Giờ con gái tôi chuẩn bị bước sang năm thứ 2 Trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên. Năm học vừa qua, cháu được vay 8,6 triệu đồng.
Ông Đào Văn Tuấn-
Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh Lạng Sơn
Chi tiêu tằn tiện một chút cũng đủ trang trải cho việc học tập"- chị Nhiệt tâm sự. Cùng thôn Lương Thác, có nhiều hộ nghèo cũng được vay vốn cho con đi học. Một số gia đình còn có 2 con đi học đều được vay vốn, như hộ chị Lý Thị Pỉnh, Nông Thị Viên...
Bà Lăng Thị Hằng - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Nhạc Kỳ cho biết: "Cho HS-SV vay vốn học tập của nhà nước làm thay đổi nếp nghĩ của nhiều người, đặc biệt là đồng bào dân tộc, miền núi. Trước kia, nhiều hộ có tâm lý, con cái học biết cái chữ là được, học cao thêm không đủ trâu, bò để bán để nuôi con ăn học xa.
Nay bà con yên tâm, bản thân các em cũng yên tâm, cứ học giỏi, thi đỗ, chi phí ăn học đã có nhà nước cho vay, không phải bán trâu nữa...". Ông Ma Văn Thoa-Chủ tịch UBND kiêm Trưởng ban Xoá đói giảm nghèo xã Vạn Linh (Chi Lăng) phấn khởi: "Tỷ lệ học sinh thi đỗ vào các trường ĐH - CĐ và TCCN của Vạn Linh 3 năm trở lại đây luôn tăng. Tổng dư nợ vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng CSXH toàn xã hiện hơn 6,7 tỷ đồng, trong đó vốn cho vay HS-SV chiếm tới 537 triệu đồng".
Lợi ích lâu dài
Khi hỏi chuyện, nhiều bậc phụ huynh ở Lạng Sơn đều cho rằng, chương trình cho vay HS-SV là cách nhà nước hỗ trợ hộ nghèo hiệu quả, bởi đầu tư cho học tập, nhất là học nghề vừa nâng cao dân trí, vừa là hướng thoát nghèo bền vững. Anh Lương Văn Mạo, thôn Nà Tẻng, xã Vạn Linh (Chi Lăng) có 3 con đang được vay vốn học tập, trong đó 2 cháu học trung cấp cơ điện, trung cấp cơ khí, 1 cháu học cao đẳng y dược.
Anh Mạo lý giải: "Nhà nước cho vay tiền đi học, vợ chồng tôi khuyến khích các cháu đi thi, học các nghề mà xã hội đang cần, ra trường chắc chắn tìm được việc làm ngay. Có lương, có thu nhập, tương lai các cháu được đảm bảo, vấn đề trả nợ ngân hàng là trách nhiệm đương nhiên...". Những người đang được thụ hưởng chương trình cho vay HS-SV đều cùng suy nghĩ như anh Mạo.
Để nhiều người hiểu rõ về ý nghĩa của chính sách cho HS-SV vay vốn học tập, theo ông Đào Văn Tuấn - Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh Lạng Sơn, quan trọng nhất là việc tuyên truyền. "Trước hết, ngân hàng tranh thủ sự vào cuộc của cấp uỷ, chính quyền và các tổ chức chính trị-xã hội để tuyên truyền, phổ biến nội dung Quyết định 157 của Thủ tướng Chính phủ về cho vay đối với HS-SV có hoàn cảnh khó khăn.
Tiếp theo đó, chúng tôi đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến nội dung Quyết định 157 xuống các tổ TK&VV, mà các thành viên của tổ là hạt nhân trong việc phổ biến cho bà con trong thôn, xóm" - ông Tuấn chia sẻ. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, nên việc thực hiện Quyết định 157 trên địa bàn Lạng Sơn khá tốt. Dư nợ chương trình cho vay HS-SV trên toàn tỉnh hiện nay là hơn 120,2 tỷ đồng với 10.615 HS-SV đang được thụ hưởng...
Phương Đông