Mặc dù cành, lá quế được tận thu, nhưng cuộc sống của người trồng quế ở Tân Thịnh vẫn khó khăn. |
Cây quế là niềm tự hào của người dân Yên Bái. Không chỉ là đặc sản của núi rừng mà nó còn là cây trồng giúp hàng ngàn hộ dân ở đây thoát nghèo.
Chúng tôi đến Tân Thịnh, một trong những xã trồng quế nhiều ở huyện Văn Chấn giữa mùa thu hoạch rộ. Khắp những nẻo đường đến các thôn bản của Tân Thịnh thơm ngát mùi quế. Nhưng dường như, năm nay người dân ở đây không mặn mà lắm với quế.
Chị Hà Thị Thìn, thôn 6 kể: “Năm ngoái, chúng tôi bán quế tươi được 6.000-7.000 đồng/kg nhưng nay chỉ còn 4.000 đồng/kg”. Theo lý giải của chị Thìn, mấy năm gần đây, giá quế tươi tuy có tăng nhưng không ổn định. Thương lái vào thôn bản mua quế thường ép giá. “Không bán thì ế, bán thì ruột đau như cắt”.
Hiện nay, toàn tỉnh Yên Bái có khoảng 25.000ha quế, chủ yếu trồng ở 3 huyện Văn Chấn, Văn Yên và Trấn Yên. Ngoài làm dược liệu, quế còn là nguyên liệu sản xuất nước hoa, chế biến làm thức ăn... Quế được xuất khẩu sang Ấn Độ và một số nước Đông Âu. Tuy nhiên, những thị trường này cũng không ổn định nên giá thu mua quế cũng thường xuyên “nhảy múa”.
Trước đây, người trồng quế chỉ thu hoạch thành phẩm là vỏ quế. Mấy năm gần đây, tất cả các sản phẩm của cây quế đều là hàng hoá. Gỗ quế thơm nên giá bán khá đắt. Tinh dầu được chiết xuất từ lá quế và những cành nhỏ cũng được tận dụng để bán cho thương lái. Tuy nhiên, với đầu ra thấp lại bấp bênh nên người trồng quế ở Yên Bái vẫn còn chật vật trên còn đường làm giàu. “Gắn bó với cây quế hàng mấy chục năm rồi nhưng chúng tôi chưa thể làm giàu được”- chị Thìn cho hay.
Dẫn chúng tôi đi thăm những rừng quế rộng trong xã nhưng ông Hà Văn Nghĩa - Chủ tịch xã Tân Thịnh không khỏi trăn trở, bởi lẽ người trồng quế còn nghèo. Cây quế thông thường 5-7 năm cho thu hoạch, nhưng quế trồng trên đất Tân Thịnh thì phải từ 10 - 12 năm. Quế cho thu hoạch quanh năm nhưng giá bấp bênh nên đời sống người trồng quế không ổn định.
Hữu Thông