Dân Việt

Hiểm nguy việc ướp cá bằng... urê

15/07/2010 12:41 GMT+7
(Dân Việt) - Một trong những chất tạo nên khí độc làm chết bốn ngư dân trên tàu cá ở cảng Đà Nẵng hôm 9-7 là phân urê. Loại phân bón này đang được ngư dân tận dụng để ướp cá.
img
Khó có thể biết rằng liệu những con cá này chưa bị ướp urê?

Mua phân… đi biển

Phân urê khi hoà tan trong nước có thể làm lạnh môi trường xung quanh. Ngư dân lợi dụng việc này, sau khi đánh bắt được cá thường ướp urê để làm lạnh rồi bỏ cá vào hầm đá để giữ cá tươi lâu. Urê không màu, không mùi cho nên bằng mắt thường khó phân biệt được cá nào đã ướp, cá nào chưa bị ướp urê.

"Hầu như rất ít tàu đánh bắt xa bờ không mua phân urê để ra khơi ướp cá" - ngư dân Đặng Trung ở Bình Sơn khẳng định.

Đến khi lên bờ, hải sản lại một lần nữa bị các đầu nậu "tráng" qua một lớp urê khác. Bà Nguyễn Thị N, buôn cá có tiếng ở chợ Quảng Ngãi, không ngần ngại cho biết: Bất kể loại hải sản nào, trước khi đưa ra chợ chỉ cần cho chúng vào thùng đá đã "tráng" qua một lớp nước urê là "vô tư" bán, để cả ngày chúng vẫn tươi roi rói như vừa vớt dưới biển lên.

Chị Lê Thị Nga, chủ một cơ sở chế biến hải sản xuất khẩu ở Quảng Ngãi, kể: "Vừa mua 8 tấn cá ngừ đại dương của một tàu đánh bắt xa bờ trong tỉnh. Lúc đầu thấy cá rất tươi nhưng khi đưa vào chế biến thì cá mềm nhũn ra".

Chị Nga nghi ngờ nên dùng thiết bị chuyên dụng kiểm tra mới phát hiện cá tẩm đầy urê. Toàn bộ số hàng trên phải huỷ, thiệt hại gần 100 triệu đồng.

Hại người, hại mình

Theo các tài liệu nghiên cứu thì khi ăn phải các loại thịt, hải sản có chứa dư lượng phân urê cao thì người ăn có thể bị ngộ độc cấp tính với các triệu chứng đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy… có thể dẫn đến tử vong.

Còn nếu thường xuyên ăn phải những thức ăn có ướp urê, nhưng hàm lượng thấp, sẽ bị ngộ độc mãn tính, với các dấu hiệu mất ngủ kéo dài, đau đầu, nhức mỏi cơ thể, giảm trí nhớ...

Chính vì nguy hại như vậy nên cơ quan chức năng cấm sử dụng urê để ướp thực phẩm. Tuy nhiên vì cái lợi trước mắt, nhiều người vẫn sử dụng nó, để rồi không những gây nguy hiểm cho người tiêu dùng, mà bản thân người sử dụng cũng nguy hiểm.

Ngày 12-7, Phòng Kỹ thuật hình sự Công an Tp. Đà Nẵng đã có kết luận chính thức về cái chết của 4 ngư dân ở xã Phổ Thạnh (huyện Đức Phổ) của tàu QNg 98849, là do hít phải luồng khí độc tích tụ lâu ngày trong hầm cá bốc ra. Một trong những nguyên nhân phát sinh hỗn hợp khí độc gây chết người trên chiếc tàu kia là do phân urê (dùng để bảo quản cá, mực...) phân huỷ tạo ra và tích tụ lại.