Dân Việt

Không ngại đóng tiền, chỉ ngại dịch vụ kém

22/12/2010 17:07 GMT+7
(Dân Việt) - Trong năm 2011, liên ngành LĐ-TB&XH, Y tế và BHXH Việt Nam có nhiệm vụ phải làm rõ thế nào là “mức sống trung bình” nhằm thực hiện chính sách hỗ trợ mua BHYT cho nông dân. Tuy nhiên, người dân lại lo ngại về dịch vụ khám chữa bệnh theo BHYT.

Đi tìm tiêu chí “mức sống trung bình”

NTNN số 274/2010 có bài viết về việc khó thực hiện chính sách hỗ trợ BHYT cho nông dân. Về vấn đề này, ông Hoàng Kiến Thiết - Trưởng ban Cấp sổ thẻ (BHXH Việt Nam) cho biết, theo lộ trình, tới 1-1- 2012 mới thực hiện chính sách hỗ trợ BHYT cho nông dân "có mức sống trung bình" trong cả nước.

 img
Chờ đợi để làm thủ tục khám chữa bệnh theo BHYT tại Bệnh viện Đa khoa Hải Phòng.

Tại thời điểm này, cùng với việc rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, các tỉnh thành đang xem xét để đề xuất xây dựng tiêu chí về "mức sống trung bình". Việc xác định tiêu chí và bầu chọn phải tiến hành trong năm 2011 để có thể sớm thực hiện chính sách, đảm bảo quyền lợi cho bà con…

Ngay cả khi việc xây dựng tiêu chí còn là chuyện tương lai, thì các tỉnh, thành cũng đang đau đầu với việc "thế nào là mức sống trung bình". Ông Nguyễn Văn Thạnh - Trưởng phòng Tổ chức hành chính -Bảo hiểm xã hội Hải Phòng khẳng định: "Đây là vấn đề rất khó bởi đa số nông dân, ngư dân, diêm dân ở Hải Phòng có mức sống bình bình.

Nếu xác định cụ thể mức sống trung bình thì cũng phải gần hết hộ được xét. Theo tôi, hộ có mức sống trung bình là những hộ có thu nhập gấp rưỡi thu nhập của những hộ cận nghèo, còn cụ thể thu nhập bao nhiêu là phù hợp thì phải chờ công bố".

Bà Hoàng Thị Soát - Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Quang Phục, huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) cho biết: "Trước năm 2009, các hộ cận nghèo được hỗ trợ 50% cũng chẳng ai mua chứ nói gì đến hỗ trợ 30%. Nhưng tôi chắc rằng các hộ trung bình khi được hỗ trợ thì họ đủ sức để mua BHYT. Theo tôi, cứ căn cứ vào tiêu chí hộ cận nghèo để xác định hộ trung bình".

Ngán ngẩm đi khám BHYT

Với nhiều người dân, việc được hỗ trợ hay không hỗ trợ mua BHYT không quá quan trọng mà chủ yếu là dịch vụ y tế có được cải thiện hay không. Tìm hiểu của NTNN tại huyện miền núi Thường Xuân (Thanh Hóa) cho thấy, hiện nay việc cấp thẻ BHYT cho người dân chủ yếu ở nhóm đối tượng hộ cận nghèo và hộ nghèo.

Ông Nguyễn Văn Thọ, ở xã Thọ Hải, huyện Thọ Xuân cho biết, dù nhà nước có hỗ trợ hay không ông vẫn mua BHYT. Tuy nhiên điều quan trọng là phải cải tiến chất lượng khám chữa bệnh. "Hiện nay, người có thẻ BHYT tự nguyện vẫn bị phân biệt đối xử khi đi khám bệnh nên nông dân chúng tôi không mặn mà lắm với việc mua thẻ".

Thông tin từ Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, tiêu chí “mức sống trung bình” có thể xây dựng theo mức thu nhập bình quân chung của người dân từng vùng hoặc tính theo chuẩn nghèo (như cách tính hộ cận nghèo).

Anh Vũ Nhân Thược - cán bộ chính sách xã Minh Tân, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng thì cho hay: "Đời sống của nông dân và nhận thức về việc dự phòng bảo vệ sức khỏe đã khá hơn nên tôi nghĩ khi được hỗ trợ 30% người dân sẽ rất hưởng ứng.

Tuy nhiên, dịch vụ y tế cũng phải được nâng lên bởi hiện nay bà con rất ngán ngẩm chuyện đi khám BHYT: Vừa chậm vừa nhũng nhiễu".

Chị Vũ Thị Thắm ở xã Quốc Tuấn, huyện An Lão (Hải Phòng) cũng chia sẻ: "Dù không biết tiêu chí ra sao nhưng nếu được hỗ trợ, nhà tôi cũng cố gắng mua 4 thẻ cho ông bà và vợ chồng tôi… Chỉ ngại mỗi khi đi khám lại phải đi lại, chờ đợi mất công. Trong khi đó thuốc ít, những thuốc đắt tiền lại phải mua ngoài".