Dân Việt

Dị nhân tìm hang động cổ và tấm bản đồ ép bằng máu khô

22/12/2010 12:38 GMT+7
(Dân Việt) - Từ cơ duyên có được tấm bản đồ ép bằng máu khô trên giấy bản, ông Bùi Quang Vinh đã tìm ra trên 80 hang động tại vùng rừng núi Hương Sơn (Mỹ Đức, Hà Nội).

Gần 40 năm tiềm tu trên đỉnh Hương Sơn, ông Vinh đã sáng tạo ra bộ môn nghệ thuật Tâm pháp "độc nhất vô nhị" ở Việt Nam và cả trên thế giới.

Tìm về xóm 8, thôn Yến Vĩ, xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội hỏi ông Bùi Quang Vinh thấy nhiều người dân trân trọng gọi ông bằng thầy. Sở dĩ có danh xưng cao quý ấy là bởi người ta nói ông viết chữ rất đẹp, hay đi viết chữ cho các nhà chùa để treo ở những nơi thờ tự.

Cuộc gặp gỡ kỳ lạ

Sinh năm 1962, nhà nghèo, học hết lớp 8, ông Vinh phải từ bỏ giấc mơ đến trường. Dù không được tiếp tục học hành nhưng ông đã sớm bộc lộ khả năng hội họa hiếm hoi trong lũ trẻ đồng quê. Cứ nghĩ gì trong đầu là ông vạch que vẽ ngay ra mặt đất trước sự ngạc nhiên và khâm phục của mọi người.

img
Ông Vinh thám hiểm động Cam Lộ.

Đợi cho chúng tôi thỏa nhãn ngắm nhìn những bức tâm pháp kỳ lạ như hút hồn người xem, ông Vinh bắt đầu câu chuyện. "Thời gian đầu những năm 70 của thế kỷ trước, người dân Hương Sơn còn rất nghèo, thường chèo cái thuyền gỗ con con gọi là thuyền cóc để đi lại trên dòng suối Yến. Một hôm khi tôi đang chèo thuyền vào Chùa Hương thì có một ông cụ râu tóc bạc phơ, mặc một bộ quần áo đen đã bạc màu, đứng trên bờ vẫy tôi đi nhờ thuyền.

Đi được một đoạn đến chỗ có cây gạo cổ thụ, ông cụ bảo tôi táp vào chùa Bông Lúa rồi lên núi bày biện làm lễ. Lễ xong, cụ lấy ra 1 tấm bản đồ được ép bằng máu khô trên giấy bản. Cụ bảo đó là bản đồ tổng thể hang động chùa Hương chìm sâu dưới lòng đất.

Cụ trao lại cho tôi và dặn dò chi tiết các bước để có thể tìm ra hệ thống hang động bí ẩn này. Khi tôi còn đang ngạc nhiên ngắm nghía tấm bản đồ kỳ lạ thì cụ già đã đi từ lúc nào. Tôi đợi cho đến khi trời tối vẫn không thấy cụ già trở lại nên chèo thuyền về. Tất cả diễn ra như một giấc mơ".

Phát lộ quần thể hang động gốc ở Chùa Hương

Về nhà, ông Vinh miệt mài bắt tay vào xác định vị trí thực tế của các mốc trên bản đồ. Mất rất nhiều thời gian, công sức, ông Vinh mới xác định được vị trí đầu tiên, đó là động Hinh Bồng cổ đại. Một thời gian sau, ông Vinh bắt đầu cuộc hành trình của mình. Theo lời ông cụ dặn, đúng 8 giờ sáng ngày nguyệt kị, ông bước chân ra đi.

Sau 40 năm tìm kiếm, ông Vinh đã tìm lại được hơn 80 di tích hang động và chùa chiền bị chôn vùi dưới lòng đất không chỉ trên địa phận xã Hương Sơn mà còn nằm bên tỉnh Hòa Bình. Đây là hệ thống hang động cổ bị lấp đi từ thời Bắc thuộc cách nay cả ngàn năm.

Ông cụ bảo khi nào nhìn thấy hình ảnh một người con gái thì là tới vị trí của động Hinh Bồng. Ông Vinh kể: "Đầu tiên tôi đeo gạo ở nhà đi, ăn hết thì tôi ăn rau rừng để sống. Đường đi rất khó khăn, toàn phải leo núi và đu dây chứ không có đường mòn như bây giờ. Bền bỉ suốt 5 năm tôi mới tìm được mốc đầu tiên.

Thế nhưng nhìn mãi tôi vẫn không thấy tượng cô gái đâu cả. Mãi sau tôi mới phát hiện ra có hình khắc một người con gái trên vách đá nhưng bị rêu xanh phủ kín. Cạo rêu ra thì đường khắc vẫn còn khá rõ nét. Bên cạnh còn có một bài thơ khắc chìm trong đá có nội dung: "Đứng ở cổng động Hinh Bồng nhìn ra hướng Đông Bắc thì thấy một cô gái mặc áo trắng quần đen, tay cầm nón".

Khi tôi phát hiện ra thì động Hinh Bồng cổ đại vẫn còn nguyên bản cùng với tấm bia đá nằm chìm trong lòng đất. Giờ đây, đứng ở Thiên Trù là có thể nhìn thấy điểm di tích này với hình khắc trên vách núi".

Trong cuộc hành trình tìm lại hệ thống hang động cổ vùng núi Hương Sơn, ông Vinh nhớ nhất là những vất vả, khó khăn khi đi tìm động Cam Lộ. Núi Cam Lộ (người dân còn gọi là núi Bà Lồ) cao nhất khu thắng cảnh Chùa Hương. Để tìm ra Cam Lộ bảo động, ông Vinh phải mất rất nhiều năm tìm tòi, khai phá. "Khi tôi lên đây thì chưa có dấu chân người.

Tôi đã vượt qua những vách đá vô cùng hiểm trở mà chỉ cần một chút sơ sẩy cũng có thể mất đi mạng sống. Đến khi đặt chân được lên đỉnh núi này, tôi tìm thấy một cái động sâu đến hơn nghìn mét.

Tết rễ cây rừng thành dây, tôi tụt xuống dưới và men theo đường trôn ốc đi xuống. Dưới đáy hang, ngoài dòng nước trong veo chảy róc rách trong kẽ đá, tôi thấy có rất nhiều ban thờ, trên đó để 6 đôi kiếm. Lúc đó, tôi còn nhỏ nên không thể vác kiếm ra được.

Về sau, khi đã trưởng thành tôi mới vác được đôi kiếm nặng nhất về và cân được 24kg. Tôi cũng đã mang ra phố cổ nhờ các thợ rèn lâu năm, nhiều kinh nghiệm kiểm tra nhưng chẳng ai biết đôi kiếm này được làm từ kim loại gì mà sắc bén đến mức có thể cắt được sắt dễ dàng như thế".

Tìm được hang động hoặc chùa chiền trong quần thể Hương Sơn là ông Vinh lại bàn giao cho Thượng tọa Thích Viên Thành - trụ trì Chùa Hương lúc đó. Cụ Thành rất xúc động bảo: "Đây đúng là quần thể hang động gốc mà bao năm nay tôi khổ công đi tìm vẫn không ra. Trong Bút ký Hương Sơn của sư tổ để lại có viết là đến năm 2000 sẽ tìm thấy và đúng năm nay anh đến giao cho tôi thông tin chính xác về địa điểm của các hang động cổ này".

-------------------------

Còn nữa