Đây là chỉ đạo của Chính phủ tại nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6, vừa được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký ban hành.
Liên quan đến nội dung này, ngày 10.7, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã họp với các bộ, ngành liên quan về việc xây dựng quy chế mua tạm trữ lúa, gạo nhằm tạo cơ chế pháp lý hiệu quả hỗ trợ thị trường lúa, gạo, đảm bảo lợi ích cho ND.
Theo các ý kiến tại cuộc họp, thời gian qua, việc tiến hành thu mua tạm trữ thường là các chỉ đạo tình huống của Chính phủ xem xét áp dụng khi giá lúa thị trường thấp hơn giá định hướng, nhằm tăng khả năng tiêu thụ một phần sản lượng thóc hàng hóa vào thời điểm thu hoạch rộ tại ĐBSCL. Vì vậy, việc xây dựng bộ quy chế về thu mua tạm trữ lúa gạo sẽ tạo căn cứ pháp lý cần thiết, giúp quá trình điều hành, quản lý từ T.Ư đến địa phương được thuận lợi và thống nhất trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh lúa gạo.
Theo chỉ đạo của Chính phủ, dự thảo quy chế thu mua tạm trữ lúa, gạo sẽ được lấy ý kiến rộng rãi từ các cơ quan, đơn vị liên quan, nhất là từ các địa phương, doanh nghiệp trực tiếp thu mua lúa gạo. Quy chế sẽ quy định về thời điểm, số lượng, điều kiện, phương thức và cơ chế chính sách mua tạm trữ các loại lúa, gạo hàng hóa. Trong đó, nêu rõ những điều kiện thị trường để các cơ quan liên quan trình cấp có thẩm quyền quyết định việc tạm trữ...
Quy chế cũng quy định trách nhiệm và nhiệm vụ cụ thể của từng bộ, ngành trong việc thu mua tạm trữ lúa, gạo, vai trò đầu mối của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, sự phối hợp với các bộ, ngành với địa phương, doanh nghiệp để phân giao, triển khai chỉ tiêu, tổ chức thanh kiểm tra và xử lý vi phạm.
Kết thúc cuộc họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tiếp tục yêu cầu Bộ NNPTNT sớm hoàn thiện nội dung dự thảo quy chế, lấy ý kiến thẩm định để Chính phủ xem xét, quyết định trong thời gian tới.