Dân Việt

Nỗi đau Pà Cò

16/07/2010 07:54 GMT+7
(Dân Việt) - Chúng tôi trở lại đất này để tận cảm những nỗi đau đớn, xót thương của những gia đình có người thân hy sinh vì cuộc chiến chống ma tuý.
img
Thượng tướng Nguyễn Khánh Toàn - Thứ trưởng Bộ Công an thắp nhang
cho Thiếu uý Sùng A Trư.

Hang Kia, Pà Cò (Mai Châu, Hoà Bình) bấy lâu nay khét tiếng là một trạm trung chuyển ma tuý lớn nhất miền Bắc.

Ngày 5-2- 2010, phát hiện tên trùm ma tuý Vàng A Khua (SN 1956) - kẻ bị truy nã gắt gao đang lẩn trốn tại nhà, Công an Hoà Bình đã tổ chức vây bắt. Thế nhưng, trốn chạy lưới trời, Khua đã dùng súng chống trả quyết liệt.

Đau đớn thay, khi con sói hoang đó bị tiêu diệt thì ba chiến sĩ công an cũng đã anh dũng hy sinh. Trong số ấy, có thiếu uý Sùng A Trư, chiến sĩ công an được sinh ra và lớn lên trên chính mảnh đất này.

Lẩn trốn đớn đau

Nhà thiếu uý Sùng A Trư ở bản Trà Đẫy, xã Pà Cò. Ngôi nhà nằm nép dưới chân một ngọn núi xanh um. Thế nhưng, từ ngày thiếu uý Sùng A Trư hy sinh, ngôi nhà ấy bỗng dưng lặng lẽ, cửa đóng then cài. Phải vất vả lắm chúng tôi mới tìm được chủ nhân của ngôi nhà ấy, ông Sùng A Phử, bố của thiếu uý Sùng A Trư.

Ông Phử bảo, ông thương con mình ra đi mà chẳng kịp trối trăng gì. Đau đớn nhất là khi nhắm mắt lìa đời, con ông vẫn không biết mình sắp được làm bố.

Theo ông Phử thì lúc con ông hy sinh, con dâu ông mới có tin mừng. Bây giờ, cả nhà ông đang tíu tít chuẩn bị đón giọt máu của Trư gửi lại.

Ông Phử đang làm cỏ trên nương mận cách nhà mấy con dốc lòng vòng. Gặp chúng tôi, nhắc đến chuyện con trai mình, người đàn ông có khuôn mặt khắc khổ ấy ngồi bệt xuống đất nức nở.

Ông bảo, từ ngày Trư mất, ông đã cố gắng vùi mình vào công việc để cố quên nỗi đau tột cùng. Thế nhưng, càng cố quên thì càng nhớ thêm.

Ông Phử có cả thảy 5 người con, 2 trai, 3 gái. Trư tuổi hợi (SN 1984), là con thứ nhưng là người lo hương hoả cho tổ tiên sau này. Ông Phử bảo, trong số mấy anh em thì gia đình ông, dòng họ ông kỳ vọng vào Trư nhiều nhất.

So với đám thanh niên cùng thế hệ trong xã Trư là người hiền lành, cái tay hay làm, cái đầu hay nghĩ. Bởi thế, năm học lớp 7, Trư đã đứng trong hàng ngũ những thiếu niên ưu tú được tỉnh cử đi học ở Trường Thiếu sinh quân ở Thái Nguyên. Học xong cấp 3 tại ngôi trường này, bởi những thành tích xuất sắc, Trư được xét tuyển vào Trường Trung cấp An ninh.

img
Ông Phử chia sẻ với phóng viên nỗi đau của gia đình mình.

Tốt nghiệp ra trường, Trư nằng nặc xin về công an huyện nhà công tác. Khi ấy, tâm sự với ông, Trư bảo, Trư xa đất này đã lâu, bây giờ học được nhiều cái chữ, nhiều điều tốt lẽ hay rồi nên muốn về làm việc ở mảnh đất đã nuôi mình khôn lớn.

Năm 2007, Trư lấy vợ. Vợ Trư, Hà Thị Thuỷ là cô gái ngoan hiền, xinh đẹp có tiếng ở xã Tân Sơn. Thủy học trung cấp mầm non, trong lúc chờ việc thì ở nhà phụ giúp vợ chồng ông việc cơm nước hàng ngày. Cuộc sống cứ thế êm đềm trôi. Và, trong niềm hạnh phúc đơn sơ ấy thì chẳng ai có thể nghĩ một ngày nào đó khổ đau lại ập tới mái ấm của mình.

Ngày kinh hoàng

Trư hy sinh vào một ngày cuối tuần. Trước cái ngày kinh hoàng ấy, không hiểu do linh tính thế nào, khi mặt trời vừa lặn, Trư lại phóng xe máy về thăm nhà. Thấy con đột ngột về, gia đình ông ngạc nhiên lắm. Ở nhà được vài giờ, Trư lại lên xe đi.

Không biết có phải sợi dây phụ tử mách bảo điều bất an sẽ đến với con mình hay bởi lý do gì mà từ lúc Trư đi, ông thấy lòng mình như có lửa thiêu, than đốt. Ngủ chẳng được, dậy làm việc vặt trong nhà cũng chẳng yên.

Hôm sau rồi hôm sau nữa, ruột gan ông vẫn bỏng rát. Cái chân chẳng muốn lên nương, ông bắt xe xuống huyện. Ông muốn thăm nơi ở và làm việc của con. Thế nhưng, xuống đến nơi, đồng đội của con ông bảo, Trư đi làm nhiệm vụ đặc biệt từ trong đêm. Xuống chợ mua sắm qua loa, thăm đứa con út đang học ở trường nội trú, ông lại tất tưởi bắt xe ra về.

Về tới ngã ba, đầu đường vào xã Pà Cò, ông bỗng giật mình khi nghe thấy tiếng gọi thất thanh của một người quen: “Ông Phử ơi! Ông Phử ơi! Thằng Trư có vào Hang Kia không? Bắn nhau kinh lắm ông Phử à! Có cả công an hy sinh đấy, họ vừa đưa qua đây này!”.

Những lời kinh hoàng ấy khiến sống lưng ông lạnh toát. “Có thấy thằng Trư không? Thấy nó không!?”. Ông vồ vập hỏi. “Không thấy! Không ai thấy nó ông à!”. Nghe mọi người nói vậy ông thở phào nhẹ nhõm.

Về đến Pà Cò, không về nhà ngay, ông tạt qua nương mận. Định tranh thủ lúc chiều tà dọn nốt đám cỏ cuối nương nhưng ông cứ thấy chân tay mình bứt rứt. Chẳng thể tập trung làm việc được, thu dọn đồ đạc, ông tất tưởi ra về.Thế nhưng, chưa kịp rời nương thì ông đã chết lặng bởi có tiếng ai hớt hải: “Ông Phử ơi! Về ngay, thằng Trư nó hy sinh rồi!”.

Bấn loạn, vứt bỏ mọi thứ, ông chạy theo tiếng gọi xé lòng ấy. Chạy một hơi về đến nhà thì ông không còn đứng vững trên đôi chân của mình nữa. Nhà ông đông kịt người. Vợ con ông thì mỗi người nằm bẹp một nơi, ôm mặt nức nở.

Tuy nhiên, bởi không thấy thi thể của con, ông vẫn cố nghĩ rằng mọi người đã nhầm lẫn, vẫn cố hy vọng rằng con mình không phải là đã hy sinh. “Ông ơi, thằng Trư vẫn ở trong Hang Kia đấy! Ông vào lấy xác con đi!”.

Nước mắt chưa khô

Dựa lưng vào cột nhà, nhìn lại tất thảy mọi người, ông thấy có cả cán bộ xã. Khi ấy, hy vọng nhỏ nhoi trong ông vụt tắt. Ông buộc phải tin vào điều mình không muốn tin ấy. Con ông đã mất. Niềm tự hào của gia đình ông đã không còn nữa. Trong tận cùng nỗi đau, ông bỗng dưng tỉnh táo. Gạt nước mắt, ông mới hỏi mọi người đầu đuôi câu chuyện.

Thì ra, đêm qua, con trai ông đã cùng đồng đội hành quân qua nhà để vào Hang Kia truy bắt tên tội phạm khét tiếng Vàng A Khua. Biết chẳng thể chiêu hàng, lực lượng vây bắt buộc phải nổ súng tiêu diệt tên tội phạm hung hãn này. Thế nhưng, ngay khi cuộc đọ súng kết thúc, một số phần tử quá khích là họ hàng, anh em của Khua đã kích động những người thiếu hiểu biết bao vây, chống trả lực lượng công an. Tình huống ngoài dự đoán ấy buộc những đồng đội của Trư tìm cách rút ra...

Khi rút về nơi an toàn, điểm quân mọi người mới giật mình khi không thấy Thiếu uý trẻ Sùng A Trư. Cũng khi ấy, nguồn tin trinh sát cho hay, Trư đã hy sinh, hiện thi thể vẫn đang ở sào huyệt của Vàng A Khua.

Đau đớn nhưng mọi người vẫn xúm lại để tìm cách đưa thi thể người đồng đội dũng cảm của mình ra khỏi nơi hiểm ác đó. Thế nhưng, mọi phương án đưa ra đều không khả thi. Những kẻ quá khích vẫn bắn ra những thông điệp điên cuồng rằng sẽ xử lý bất cứ ai xuống lấy xác Trư.

Không thể để con mình nằm mãi ở đó, ông Phử nghĩ, người vào hang cọp để lấy thi thể của Trư không ai khác chính là ông. Vậy là sau một loáng bàn luận, ông và một số chiến sĩ công an đã băng rừng vào Hang Kia. Tại đó, thấu hiểu tình cảm của người cha mất con, sau một hồi thuyết phục, người nhà Vàng A Khua đã đồng ý để ông và mọi người đưa thi thể Trư về.

Ông Phử bảo, bây giờ, dù con ông đã nằm xuống được hơn nửa năm nhưng nhiều lúc ông vẫn ngỡ rằng con mình còn sống. Vắng con, nương rẫy ông làm, ngôi nhà ông ở như thênh thang hơn. Có lẽ, với ông, vết đau này chẳng bao giờ lành miệng.