Bỏ tiền mua sự… yên tâm
Gần 20 năm lên lập nghiệp ở Mộc Châu (Sơn La), vợ chồng bà Phạm Thị Lịch, tiểu khu 26/7 đã xây dựng được một trang trại bề thế với đàn bò 35 con, giá trị xấp xỉ cả tỷ đồng, giàn máy vắt sữa trị giá 45 triệu đồng, cùng máy cắt cỏ, máy cày bừa…
Đàn bò sữa ở Mộc Châu hiện đang được thực hiện bảo hiểm khá tốt. |
Mỗi buổi sáng, tối đưa máy vào mút vú bò sữa là đồng nghĩa với việc bà Lịch khởi động cái máy đếm tiền, với tổng lợi nhuận 40-45 triệu đồng/tháng. Lợi nhuận lớn là vậy, nhưng rủi ro về giá, bệnh tật cũng lớn. Vì thế khi Công ty CP Giống bò sữa Mộc Châu đưa ra chính sách bảo hiểm sinh mạng cho bê, bò, bà đã hào hứng mua bảo hiểm cho cả đàn bò.
Vài lần bò của bà bị chết được nhận tiền bảo hiểm ngay, thêm một ít tiền nữa là mua lại được 1 con bò tơ. "Có bảo hiểm vật nuôi, chúng tôi yên tâm làm ăn lắm” - bà Lịch nói. Ông Hoàng Minh Đức, tiểu khu 77, thị trấn Nông trường Mộc Châu cho hay: "Lúc đầu nghe vận động mua bảo hiểm cho bò, bê ai cũng thấy gờn gợn chuyện ngược đời. Nhưng khi thấy chính sách bảo hiểm có lợi cho dân thì ai nấy đều tham gia".
Theo ông Đức, với mức đóng 250.000 đồng/năm, khi bò bị chết, loại thải thì quỹ bảo hiểm sẽ bồi thường số tiền gấp 10 lần. Người nông dân tận dụng sản phẩm từ bò, bê khoảng 5-10 triệu đồng và chỉ cần bù thêm một ít sẽ mua được 1 con bò tơ khoảng 15 triệu đồng.
Do chính sách bảo hiểm sinh mạng bò sữa có lợi cho người dân, nên đến nay gần như tất cả nông dân ở Mộc Châu đều đồng ý tăng gấp đôi phí bảo hiểm sinh mạng bò, bê. Kể từ đầu năm nay, các hộ dân đã bỏ ra ít nhất 500.000 đồng/năm để đóng bảo hiểm cho mỗi con bò của mình và khi bị rủi ro sẽ được đền bù gấp 15 lần, tức khoảng 8 triệu đồng/con. Ông Trần Công Chiến- Giám đốc Công ty CP Sữa Mộc Châu cho biết: "Cho tới nay, quỹ bảo hiểm của chúng tôi đã có được 10 tỷ đồng làm… lưng vốn".
Doanh nghiệp đã sẵn sàng tham gia
Tại Việt Nam, hiện đã có 4 doanh nghiệp là Công ty Bảo hiểm Agribank (ABIC), Bảo Việt, Bảo Minh và Công ty Bảo hiểm Grouppama (Pháp) bắt đầu thí điểm tham gia vào thị trường bảo hiểm nông nghiệp (BHNN).
Trao đổi với NTNN, ông Nguyễn Văn Minh- Phó Tổng giám đốc ABIC cho biết: "Hiện nay, chúng tôi đã chủ động xây dựng dòng vốn cho riêng lĩnh vực BHNN.
Thực tế, đã có nhiều doanh nghiệp tham gia thí điểm BHNN, nhưng cho tới nay vẫn chưa thành công, nên vấn đề bây giờ là phải có cơ chế như thế nào để thực hiện".
Cho đến thời điểm này, Agribank đang rất quan tâm việc thí điểm BHNN, ngân hàng này cũng đã có quyết định thực hiện thí điểm tín dụng bảo hiểm trồng lúa tại 10 tỉnh trong cả nước.
Ông Minh khẳng định: "Chúng tôi đã có sản phẩm về BHNN, nhưng điều quan trọng nhất là phải chờ xem cơ chế của nhà nước như thế nào, rồi thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính ra sao, từ đó chúng tôi mới đưa ra lộ trình thực hiện cụ thể".
Ông Hoàng Xuân Điều- Phó Trưởng phòng Bảo hiểm xe cơ giới (Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt) nhận xét: "Đây là một chủ trương rất phù hợp, vì nhiều nước trên thế giới đã thực hiện loại hình bảo hiểm này từ lâu. Bản thân Bảo Việt đang thực hiện các dự án bảo hiểm cho cây cao su ở Bình Phước, Kon Tum, bảo hiểm cho con bò sữa ở Kon Tum và Tuyên Quang với đối tác là Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk)...".
Theo ông Điều: "Khi nhà nước chưa có chính sách hỗ trợ, chúng tôi phải lựa chọn những doanh nghiệp dựa trên hiệu quả kinh doanh của những doanh nghiệp mua bảo hiểm đó". Một điểm đáng lo ngại nhất đối với việc thực hiện thí điểm BHNN hiện nay là nguồn kinh phí của nhà nước để hỗ trợ triển khai.
Theo ông Điều: "Ở đây, chúng ta mới xem xét ở mức độ thí điểm. Còn một khi áp dụng bảo hiểm trên quy mô rộng, nhà nước cần tính đến nguồn tài chính, bởi tiền hỗ trợ bảo hiểm cho người dân trên toàn quốc chắc chắn không nhỏ".
Thanh Xuân- Ngọc Lê