Đến nay các diện tích cao su ở Phú Yên đang vào kỳ cho mủ. Khi phát động nông dân trồng cao su, các cơ quan chức năng tỉnh này công bố sẽ xây dựng nhà máy chế biến mủ để đón đầu sản phẩm của nông dân. Khi đó, thấy nhiều hứa hẹn từ dự án, nhiều người đã mạnh dạn vay ngân hàng để đầu tư, có người vay đến 200 triệu đồng (tổng dư nợ vay trồng cao su của riêng huyện Sông Hinh đã là 24 tỷ đồng). Thế nhưng "giấc mộng" cao su tan vỡ. Đến bây giờ, khi cây cao su đã cho mủ gần 2 năm, nhưng nhà máy chế biến mủ vẫn chưa ra đời.
Để trả nợ cho ngân hàng, nông dân Phú Yên phải lên tận Gia Lai, Đăk Lăk năn nỉ bán mủ cho tư thương và bị tư thương mặc sức "hành hạ". Theo Viện Nghiên cứu cây cao su Việt Nam, năng suất, chất lượng mủ cao su ở Phú Yên không thua gì ở Gia Lai, Đăk Lăk. Thế nhưng mủ cao su Phú Yên bị tư thương mua thấp đến mấy giá so với các tỉnh này.
Nông dân Phú Yên “méo mặt” vì càng bán càng lỗ. Thương nhân lại mua rất tùy tiện, thích mua giá nào thì mua, không có nguyên tắc. Nông dân Trần Văn Hùng ở xã Ea Ly (Sông Hinh) than thở: "Cùng một vườn cao su, nhưng lô thì tư thương mua cao, lô mua thấp theo cảm hứng. Biết là bị ép nhưng nông dân phải "nhắm mắt" mà bán để lấy tiền trả ngân hàng". Tình trạng này không biết kéo dài đến bao giờ!
Kim Thuỷ