Cảnh trong phim “Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long”. |
Phim Việt - dịch vụ Trung Quốc
Xoay quanh tiến trình từ triều Tiền Lê đến triều Lý với sự kiện trọng đại Lý Công Uẩn lên ngôi, mở ra trang mới cho lịch sử Đại Việt, 19 tập phim truyền hình “Lý Công Uẩn – Đường tới thành Thăng Long” được bấm máy tại trường quay Hoành Điếm ở Trung Quốc cùng một số địa điểm ở VN như Ninh Bình, Hà Nội.
Trong hoàn cảnh cơ sở vật chất để dựng và quay phim cổ trang ở VN còn quá thiếu thốn và chưa đủ điều kiện, nhà sản xuất – Công ty Trường Thành đã chọn “điểm đến” Trung Quốc như một nơi cung cấp hầu hết các dịch vụ, từ thuê không gian, bối cảnh cho đến trang phục, đạo cụ… cùng rất nhiều yếu tố đi kèm, cho đến cả con người với sự tham gia của tác giả kịch bản, đạo diễn và cả diễn viên người Trung Quốc.
NSƯT - TS Đoàn Thị Tình (hoạ sĩ thiết kế trang phục của phim):
Có lẽ sẽ không có gì phải bàn nhiều trước khi bộ phim phát sóng – dự kiến trong tháng 9 này, và sự đánh giá, bình phẩm sẽ thuộc về công chúng rộng rãi gồm các nhà chuyên môn, giới làm phim và khán giả, nếu phim không gặp sự phản biện bước đầu của cơ quan chức năng.
Mấy ngày qua dư luận xôn xao về việc Hội đồng duyệt phim quốc gia sau khi xem phim đã yêu cầu nhà sản xuất, êkíp dàn dựng điều chỉnh ở một số đoạn mà theo nhận định chung là mang yếu tố Trung Hoa…
“Yêu cầu chỉnh sửa là đúng”
Trả lời NTNN, ông Trịnh Văn Sơn - Giám đốc Công ty Trường Thành và là tác giả kịch bản bộ phim cho rằng, những yêu cầu của hội đồng là đúng, xuất phát từ những e ngại công chúng xem phim sẽ cảm nhận nhầm về không gian, bối cảnh lịch sử.
Ông Sơn nói: Chúng tôi nhất trí với những yêu cầu đó và đã tiến hành chỉnh sửa, đã nộp lại và hiện đang chờ đợi quyết định của Hội đồng. Chúng tôi cắt, sửa với cố gắng không làm ảnh hưởng tới nội dung, kết cấu bộ phim, cùng một số đoạn thoại có vẻ mới, chúng tôi điều chỉnh cho ngôn ngữ “cũ đi”. Bộ phim vẫn đảm bảo 19 tập với mỗi tập 45 phút.
Đạo diễn phim - ông Tạ Huy Cường cho biết thêm: Có những phân đoạn có bối cảnh lớn mà nhà quản lý lo giống một số bộ phim dã sử Trung Quốc đã phát sóng tại VN, chúng tôi cố gắng hết sức trong chỉnh sửa để chất lượng phim không bị ảnh hưởng.
Đạo diễn phân tích: Trung Quốc sử dụng trường quay để làm nhiều phim chứ đâu phải xong một cái là phá đi! Nên nhiều phim có bối cảnh giống nhau là bình thường. Quan trọng là chúng tôi thể hiện nét riêng trong nội dung câu chuyện lịch sử và các hoạ tiết, hoa văn… Còn kết cấu trường quay thì không thể, cái cột tròn, cột vuông, cái cổng, gian đại điện… người ta đã làm sẵn thế rồi, mình làm sao sửa được.
Chất lượng phim thế nào, sự giống và khác với Trung Quốc ra sao, và đặc biệt là tinh thần Việt, dấu ấn lịch sử các triều Đinh, Tiền Lê và Lý như thế nào? Câu hỏi này sẽ còn “lơ lửng” và sẽ được quyết định bởi việc phim có được phát sóng hay không?
Hoàng Thi