Ký ức những ngày tù
Theo tiếng gọi của Tổ quốc, năm 1965 ông Vĩnh (sinh năm 1948, ở thôn Kinh Lương, xã Cấp Tiến, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng) lên đường nhập ngũ. Năm 1968, ông tham gia hoạt động ở chiến trường Đông Hà, cảng Cửa Việt (Quảng Trị). Tại đây, ông được giao nhiệm vụ cài bộc phá, đánh tàu chở vũ khí của địch.
Trong lần làm nhiệm vụ đầu tháng 5-1968, do chưa kiểm soát được thời gian nổ của vũ khí nên vừa châm ngòi, chưa kịp trở về nơi trú ẩn an toàn thì bộc phá nổ. Sức mạnh của khối thuốc đã hất ông lên bãi cát, ngất lịm. Sau lần đó, không thấy ông Vĩnh trở về, đơn vị đã nhiều lần tổ chức tìm kiếm nhưng không thấy, họ đã báo tin ông đã hy sinh. Còn ông Vĩnh khi tỉnh dậy, đầu óc hoàn toàn trống rỗng và thấy mình đang nằm trong cũi sắt của địch.
Khoảng 1 tháng sau, ông bị đưa sang trại giam Non Nước, Đà Nẵng. Trại giam này có tên giám thị rất tàn ác. Ông Vĩnh cùng 5 người bạn tù bàn nhau và ra tay "tử hình" hắn, sau đó dùng cà mèn đựng thức ăn múc cát dưới nền nhà thành hố để giấu xác.
Ba ngày sau, cái xác bốc mùi nên bị phát hiện. Cả 6 người bị địch đánh đập dã man, đeo vào cổ mỗi người một tấm biển "Cọp dữ" rồi chuyển ra nhà tù Phú Quốc.
Khoảng tháng 3-1972, nghe tin địch sẽ tiêm thuốc gây tê liệt cho tù binh trước khi trao trả, anh em đã nhịn đói để đấu tranh. Do nắm được thông tin từ trước nên mọi người có sự chuẩn bị và giao nhiệm vụ cho ông Vĩnh lo dự trữ lương thực. Nhưng không may ông bị địch phát hiện, nhốt riêng vào cũi sắt, dùng kìm bẻ răng, treo dây điện vào tai và răng để tra tấn.
Đến ngày trao trả tù binh, ông Vĩnh đau đớn, kiệt sức không đi nổi, phải có người dìu, sau đó được đưa về Đoàn An dưỡng Nam Hà. Điều dưỡng được khoảng 1 năm, ông xin ra khỏi quân đội.
Nỗi niềm khi trở về
Trước khi về quê, nghe nói nhà không còn ai thân thích nên ông Vĩnh xin việc ở Công ty Nông thổ sản tại quận Kiến An, Hải Phòng. Được cơ quan giao cho phụ trách thu mua cói để làm chiếu, ông đã chọn quê hương Tiên Lãng là nơi cung ứng. Trong chuyến công tác về quê, hay tin cha còn sống, ông lập tức về gặp cha. Giây phút cha con gặp nhau, mừng mừng tủi tủi...
Thấy ông Vĩnh là người hiền lành, tốt bụng, bà Phạm Thị Chiêm, người cùng làng đem lòng quý mến. Duyên số đã gắn kết họ và họ sống rất hạnh phúc. Cuộc sống yên ả trôi đi nhưng ký ức về sự việc trước khi ông bị địch bắt giữ năm 1968 vẫn hoàn toàn trống rỗng.
Nhưng kỳ diệu thay, một lần tình cờ ngồi xem chương trình "Người đương thời" trong dịp kỷ niệm 40 năm Ngày truyền thống của lực lượng Hải quân (13-4-2006), nhờ những hình ảnh quay về địa danh Cửa Việt và những gương mặt quen quen trên màn hình mà những chuyện xưa đã trở về trong trí nhớ ông.
Một ngày đầu tháng 4 -2009, đơn vị Hải quân cử người tìm về đối thoại trực tiếp với ông, nhiều câu chuyện, hình ảnh được gợi mở và ông đã hoàn toàn tự tin những điều ông nhớ là sự thực.
Do thời gian bị tù đày phải chịu tra tấn dã man nên sức khỏe của ông Vĩnh giảm sút rất nhiều. Lâu nay kinh tế gia đình đều do vợ ông cáng đáng. Ông Vĩnh mong muốn quân đội và ngành chức tạo điều kiện giúp ông được hưởng chính sách đãi ngộ của Đảng và Nhà nước, nhằm giảm bớt chút gánh nặng cho vợ con, bù đắp cho những năm tháng ông đã đóng góp sức lực, tuổi trẻ trong quân đội và những ngày tháng đọa đày trong nhà tù đế quốc.
Trần Phượng