Dân Việt

“Lình xình” sau sáp nhập tại Tổng Công ty Xây dựng đường thủy VN

13/08/2012 08:13 GMT+7
(Dân Việt) - Sau khi Công ty Nạo vét đường biển 1 phải sáp nhập vào Tổng Công ty Xây dựng đường thủy VN để hình thành công ty mẹ - công ty con, nhiều chuyện “lình xình” xảy ra khiến cán bộ, công nhân ở đây bức xúc...

Từ kinh doanh hiệu quả

Đang là một đơn vị độc lập, tự chủ trong hạch toán kinh doanh, hoạt động có hiệu quả, năm 2007, Công ty Nạo vét đường biển 1 buộc phải sáp nhập vào Tổng Công ty Xây dựng đường thủy để hình thành công ty mẹ - công ty con.

img
Tàu nạo vét biển của Công ty Nạo vét đường biển.

Công ty Nạo vét đường biển 1 trước đây, nay có cái tên rất dài là “Chi nhánh Tổng Công ty Xây dựng đường thủy- Công ty Nạo vét đường biển 1- Vinawaco2” (sau đây gọi tắt là Chi nhánh Công ty Nạo vét đường biển 1) được hình thành từ những năm 60 của thế kỷ trước.

Trải qua hơn 50 năm phát triển, công ty có bề dày truyền thống xây dựng và phát triển với những trang sử hào hùng. Trong những năm chiến tranh, cán bộ thuyền viên của công ty vừa chiến đấu vừa sản xuất, vượt qua bom đạn và thủy lôi của địch, đảm bảo luồng vận tải an toàn. Nhiều cán bộ, thuyền viên đã hy sinh trong khi rà phá thủy lôi của địch và chiến đấu bảo vệ đoàn tàu.

Với bề dày lịch sử, Công ty đào tạo được một đội ngũ cán bộ thuyền viên giỏi, có tay nghề cao, giàu kinh nghiệm, tạo nên thương hiệu Công ty Nạo vét đường biển 1 nổi tiếng trong nước và quốc tế, có khả năng đảm nhận thi công ở tất cả các công trình lớn với những mức độ khác nhau như nạo vét luồng An Định, Cần Thơ- một công trình khó trong nhiều năm không có đơn vị nào thi công được; Công trường cảng Sao Mai - Kiên Giang (Công trường Holcim); Công trường luồng Sài Gòn-Vũng Tàu…

Đang là một đơn vị độc lập, tự chủ trong hạch toán kinh doanh, hoạt động có hiệu quả, năm 2007, Công ty Nạo vét đường biển 1 bị “ép” phải sáp nhập vào Tổng Công ty Xây dựng đường thủy để hình thành công ty mẹ - công ty con.

Tại thời điểm đó, tập thể cán bộ công nhân viên (CBCNV) của công ty đã có nhiều kiến nghị không đồng ý, phản đối việc sáp nhập này. Để thuyết phục, ông Lưu Đình Tiến- lúc đó giữ chức quyền Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc đã hứa trước Hội nghị toàn thể CBCNV Công ty Nạo vét đường biển 1 là: Việc sáp nhập của Công ty vào Tổng Công ty chỉ là trên danh nghĩa để đáp ứng các tiêu chí pháp luật quy định về vốn điều lệ.

Sau khi sáp nhập, Công ty Nạo vét đường biển 1 vẫn giữ thương hiệu, vẫn là đơn vị sản xuất được quyền quản lý tài sản, được hạch toán, được chủ động điều hành sản xuất kinh doanh. Ông Tiến còn hứa, khi đã trở thành thành viên của Tổng Công ty thì công ty càng có nhiều điều kiện thuận lợi hơn về việc làm, đảm bảo đời sống của CBCNV...

... Đến dấu hiệu đi xuống

Lời hứa là vậy, nhưng tài liệu mà chúng tôi có được chứng minh thực tế qua 5 năm sáp nhập vào Tổng Công ty, sản xuất của Chi nhánh Công ty Nạo vét đường biển 1 không hề khởi sắc mà có chiều hướng đi xuống do phải gánh thêm chi phí quản lý của Tổng Công ty và thêm một cấp quản lý gây khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Hơn thế, một số đoàn tàu của Chi nhánh Công ty Nạo vét đường biển 1 đang khai thác hiệu quả trước đây như TC81, TC82 bị Tổng Công ty điều chuyển sang đơn vị khác đã trở thành đống sắt vụn. Việc kinh doanh sa sút, kéo theo đời sống, việc làm, thu nhập của CBCNV bấp bênh khiến một bộ phận sĩ quan, thuyền viên không yên tâm công tác, xin chuyển hoặc chấm dứt hợp đồng lao động.

Trong một văn bản gửi cơ quan chức năng, có chữ ký của đại diện Đảng ủy, Công đoàn, Đoàn thanh niên và các cán bộ chủ chốt Chi nhánh Công ty Nạo vét đường biển 1, đều thống nhất chung ý kiến đề nghị cho phép chi nhánh được tách ra khỏi Tổng Công ty mẹ, sau đó tiến hành cổ phần hóa, vừa đúng với đường lối của Đảng và Nhà nước, vừa đảm bảo quyền lợi chính đáng của người lao động.

Điều khiến hàng trăm lao động ở Chi nhánh Công ty Nạo vét đường biển 1 và đặc biệt là các cán bộ đã nghỉ hưu vô cùng bức xúc là bắt đầu từ năm 2010 đến nay, Hội đồng thành viên Tổng Công ty Xây dựng đường thủy liên tiếp có văn bản yêu cầu Chi nhánh Nạo vét đường biển 1 tiến hành bàn giao, chuyển quyền sở hữu tài sản về Tổng Công ty.

Với cách làm này, toàn bộ khối tài sản của Chi nhánh Công ty Nạo vét đường biển 1 có từ trước khi sáp nhập vào Tổng Công ty bị đổi chủ. Khối tài sản đó, phần lớn được tập thể CBCNV công ty gìn giữ từ phong trào “giữ tốt dùng bền” và được hình thành từ nguồn vốn vay ngân hàng, vốn tự có của doanh nghiệp mà các thế hệ Công ty Nạo vét đường biển 1 phải thắt lưng buộc bụng, chắt chiu qua nhiều năm mới có được. Đương nhiên, quyền lợi của tập thể CBCNV Chi nhánh Công ty Nạo vét đường biển 1 đối với khối tài sản này khi chuyển về Tổng Công ty, nhất là khi Tổng Công ty tiến hành cổ phần hóa sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Ông Nguyễn Thái Phong, 77 tuổi, nguyên Chủ tịch Công đoàn Công ty Nạo vét đường biển 1 bức xúc: “Tài sản của Công ty Nạo vét đường biển 1 hôm nay là tài sản thừa kế của các thế hệ CBCNV Công ty đi trước để lại cho các thế hệ con cháu và lớp người đi sau. Ngoài giá trị vật chất, khối tài sản đó còn có giá trị rất lớn về tinh thần bởi nó được kết tinh bằng trí tuệ, mồ hôi và cả xương máu của biết bao CBCNV công ty hơn nửa thế kỷ đã qua.

Lớp cán bộ hôm nay phải có trách nhiệm bảo quản, giữ gìn và phát huy nó, không được vì bất cứ lý do nào làm mất đi khối tài sản, trong đó có thương hiệu Nạo vét đường biển 1”.