Dân Việt

Vụ nghịch tử giết cha mẹ: Lệch lạc nhân cách, biến thái hành vi

26/06/2012 06:50 GMT+7
(Dân Việt) - “Giết bố mẹ là hành vi mất hết tính người. Tuy nhiên, có thể thấy, tội ác đã được nung nấu cả quá trình chứ không phải do giận dữ điên cuồng, bột phát”.
img
 

Nhà giáo dục- tâm lý Nguyễn An Chất - Giám đốc Trung tâm Tư vấn An Việt Sơn nhận định về vụ án kinh hoàng xảy ra sáng 24.6 tại quận Hoàng Mai (Hà Nội) mà NTNN đã phản ánh

Theo ông Nguyễn An Chất:

Có thể nhận thấy nguy cơ “trẻ hóa tội phạm” với những vụ án “tày đình” đều do thanh niên, thậm chí vị thành niên gây ra: Con giết bố mẹ, cháu giết bà, bố ném con chấn thương sọ não, đốt con, giết người cướp vàng, đặt mìn tiệm vàng… Nhưng đáng kể nhất là những vụ án mà kẻ thủ ác lại xuống tay với chính bố mẹ, ông bà, con cái mình.

Tại sao ngày càng có nhiều vụ án đáng sợ như vậy?

-Không thể có một lý do khác ngoài sự rệu rã của cả 3 “chân kiềng”: Gia đình- nhà trường – xã hội. Nhà trường chỉ giáo dục tri thức, chạy theo điểm số mà không giúp sự nhân văn, tình người, tính người trong các tiết giảng về văn học, đạo đức… ngấm vào các em.

Xã hội thì mắc bệnh vô cảm, mạnh ai nấy sống, ít ai có ý thức làm gương cho thế hệ trẻ khiến thanh thiếu niên ra đường là gặp chuyện chướng tai gai mắt, bất bình mà ít thấy gương tốt, chuyện hay. Còn sự giáo dục trong gia đình thì ngày càng lỏng lẻo khi cha mẹ không theo kịp nhận thức của con, không dành thời gian để lắng nghe nhu cầu của con.

Như vậy, có thể thấy tội ác hình thành là có cả một quá trình?

- Thiếu giáo dục, thiếu hụt giá trị sống, thanh thiếu niên sẽ lạc lối, sẽ hành xử theo bản năng, không coi trọng cuộc sống của chính mình chứ đừng nói đến cha mẹ. Người thanh niên lên kế hoạch hạ sát cha mẹ chắc chắn hiểu được mình cũng sẽ đánh mất cơ hội làm người. Nhưng anh ta vẫn lạnh lùng ra tay.

Có lẽ trong anh ta đã ngấm ngầm nuôi dưỡng sự bất bình về cha mẹ, mất đi sự yêu quý, kính trọng. Nhưng đồng thời, không ai chia sẻ, hiểu được nhận thức lệch lạc đó của anh ta để uốn nắn, để yêu thương hàn gắn. Sự lệch lạc nhận thức đã đẩy đến việc bùng nổ hành vi mất hết tính người.

Theo ông, giải pháp nào để hạn chế những tội ác như vậy?

-“Lắng nghe-thấu hiểu”- giải pháp đơn giản nhưng không phải ai cũng thấy quan trọng và thực hiện được. Cha mẹ có hiểu thì mới dạy con những điều con thiếu, uốn nắn cho con suy nghĩ lệch lạc, sửa chữa sai lầm.

Vì cứ thấy con hư, con sai là mạt sát, chửi mắng khiến con cảm thấy tổn thương, thấy đời mình như chìm trong bóng tối thì sẽ đến một ngày đứa trẻ đó bộc lộ sự xấu xa…

Từ gia đình đến nhà trường hay xã hội, đều phải có những hành động, sự dạy bảo khiến đứa trẻ “ngấm” được nhân văn, được tình người thì mới khiến chúng dừng tay trước tội ác.

Xin cảm ơn ông!