Hai là một
Anh Vũ Văn Vĩnh và chị Vũ Thị Hường (Vĩnh Phúc) từng là trai tài gái sắc. Lấy nhau đã có 2 mụn con, đứa lớn mới học mẫu giáo, đứa bé đang chập chững tập đi, tuy chỉ làm ruộng nhưng cuộc sống gia đình đầm ấm, hạnh phúc.
Vợ chồng Mỹ Duyên - Quang Dũng. |
Năm 2004, một tai nạn bất ngờ ập đến khiến vợ chồng anh bị thương nặng, vợ cụt chân phải, chồng mất chân trái. Đau đớn thể xác, gia đình nheo nhóc, nghèo đói khiến anh chị càng nản chí. Anh Vĩnh nhớ lại: “Cuộc sống gia đình càng lụi tàn, con nhỏ nheo nhóc, cả gia đình 4 miệng ăn chỉ trông cậy vào một nách mẹ già. Ngày ấy bữa no bữa đói, cơm chỉ toàn rau với muối lạc. Đau buồn đến tuyệt vọng”.
Phải mất 2 năm sau, vợ chồng anh mới lấy lại được tinh thần, và bắt đầu luyện tập đi lại. Mỗi lần tập đi, ngã rồi lại đứng dậy, lại ngã... nhiều khi chân chảy máu đau đớn nhưng mãi rồi cũng thành quen. Lành vết thương, anh chị lắp chân giả, thuê người làm ruộng rồi vay vốn mở cửa hàng bán tạp hoá.
Đến nay, gia đình anh chị đã ổn định kinh tế, các con được ăn học đến nơi đến chốn. “Tách ra thì khuyết nhưng hai vợ chồng sát lại thì được một đôi chân lành lặn, có thể vững vàng vượt qua mọi thử thách” – anh Vĩnh cho biết.
Dường như, tai nạn bất hạnh lại khiến mối nhân duyên của họ bền chặt, khiến họ càng trân trọng thêm hạnh phúc.
Hạnh phúc làm thay đổi cuộc đời
Dù khuyết tật bẩm sinh, hay do tai nạn bất ngờ, thì ở họ vẫn tiềm ẩn một nghị lực sống phi thường. Đặc biệt, sức mạnh ấy như càng được tiếp thêm năng lượng khi họ gặp được người bạn đời tri kỷ.
Đôi vợ chồng trẻ Trần Quang Dũng và Lê Thị Mỹ Duyên (Hà Nam) là một câu chuyện cảm động khác về nghị lực, tình yêu và duyên phận. Lấy chồng khuyết tật, Duyên không chỉ vượt qua sự ngăn cản của gia đình, dị nghị của bạn bè mà cô còn hy sinh cả công việc riêng.
Duyên nghỉ việc ở công ty dệt may, ở nhà chuyên tâm chăm sóc chồng con, phụ giúp chồng tại phòng khám Đông y.
“Vợ tôi là người nâng đỡ cuộc đời tôi, là động lực để tôi vượt qua mặc cảm vươn lên sống có ích. Không dám nghĩ một người con gái trẻ, ngoan hiền như thế lại có thể hy sinh, gắn bó cả đời với một người khuyết tật. Vậy mà đó lại là sự thực” - anh Dũng xúc động chia sẻ.
Giờ đây, mỗi ngày phòng khám của vợ chồng anh tiếp từ 300-400 lượt người tới khám và bốc thuốc. Khi được hỏi về cơ duyên đưa chị đến bên anh, chị nép vào vai anh, bẽn lẽn:
“Chỉ cần hai người hiểu nhau, yêu nhau thì người phụ nữ hy sinh vì chồng cũng là điều dễ hiểu. Chồng tôi là tất cả cuộc đời của mẹ con tôi”. Nhìn vợ âu yếm, Dũng cười tự hào: “Tất cả những gì tôi có được hôm nay đều là công vợ”.
Không riêng gì vợ chồng anh Vĩnh, hai vận động viên thể thao khuyết tật Phạm Hồng Thức và Hoàng Hồng Kiên (Hà Nội) cũng là một “cặp đôi hoàn hảo”.
Cả hai người cùng tham gia môn điền kinh, đặc biệt là cùng có ước mơ vươn lên làm ăn, xây dựng kinh tế, giúp người cùng cảnh và cùng chung ước mơ vươn lên làm giàu. Hiện nay, anh chị đã mở được một cơ sở chế biến tăm tre, chổi chít cho những người đồng cảnh ngộ làm việc.
Chị Thức cười hạnh phúc: “Chúng mình đến với nhau cũng bởi sự đồng cảnh, nhưng nhờ tình yêu thương chân thành nên cuộc sống đầm ấm, gia đình hạnh phúc”.
Giờ đây, sau mỗi ngày tập luyện thể thao, anh chị lại rong ruổi trên khắp các con hẻm, ngõ phố của Hà Nội bán chổi chít và tăm tre. Tuy công việc vất vả, nhưng cuộc sống gia đình lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười và hy vọng về tương lai của cậu con trai 3 tuổi.
Minh Nguyệt