Hình thức hỗ trợ thu mua tạm trữ lúa gạo cho đến nay vẫn là dành lãi suất ưu đãi cho doanh nghiệp dựa trên lượng lúa tạm trữ theo phân bổ. Cách làm này vấp phải sự phản ứng đôi khi gay gắt của dư luận, nhiều người cho rằng sự hỗ trợ thực sự là phải trực tiếp đến tay người nông dân.
Việc tạm trữ lúa gạo hiện nay vẫn do doanh nghiệp thực hiện. |
Nhà nông thiếu kho
Chúng tôi đi thực tế, hầu hết nông dân tiếp xúc ở xã Bình Thành, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp, đều cho rằng không thể thực hiện tạm trữ tại nhà vì không đủ điều kiện kho tàng. Thường thì họ cũng chỉ vô bao rồi chất vào góc nhà lấy nylon đậy lại. Như vậy sau 3 tháng thì chất lượng và sản lượng lúa bị sụt giảm, có khi không còn xay xát được nữa, nhất là trong vụ hè thu điều kiện mưa lũ không cho phép phơi lúa.
Đồng thời, tính cả chi phí vận chuyển từ ruộng về nhà và chi phí bốc xếp có khi lại cao hơn tiền hỗ trợ lãi suất tạm trữ. Anh Mai Công Sơn có 2ha lúa trồng giống OM 4218 tại xã Bình Thành, Lấp Vò, nói sẽ bán lúa ngay tại ruộng sau khi thu hoạch.
Theo ông Trần Văn To - Phó trưởng phòng NNPTNT huyện Lấp Vò, đa số nông dân ở đây bán lúa tươi ngay sau khi thu hoạch. Những người trữ lúa lại là những người có diện tích ruộng lớn và có điều kiện kinh tế, vì thông thường bà con thu hoạch lúa xong phải trả nợ ngân hàng, trả nợ mua vật tư và trang trải sinh hoạt gia đình.
Ông Nguyễn Phước Thành - Trưởng phòng Trồng trọt (Chi cục Bảo vệ thực vật An Giang) cho rằng, hỗ trợ lãi suất trực tiếp cho nông dân vẫn có thể thực hiện được, nhưng khó là việc quản lý lượng lúa tạm trữ tại nhà nông dân. Bởi không có gì ràng buộc và việc nông dân vẫn bán lúa là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Như vậy mục đích tạm trữ để bình ổn giá sẽ thất bại.
Cần giải pháp đồng bộ
Trường hợp nông dân gửi lúa tại kho doanh nghiệp và ngoài việc nhận tiền hỗ trợ tạm trữ tại ngân hàng còn được nhận thêm tiền hỗ trợ vận chuyển, lưu kho. Ông Nguyễn Văn Đời - Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp Bình Thành (Đồng Tháp), cho rằng hiện nay các kho của doanh nghiệp là kho chứa gạo, không phải kho chứa lúa nên gửi kho doanh nghiệp là không khả thi. Còn gửi cho HTX của ông thì ông cũng không dám nhận, vì trước đây ông đã gặp phải nhiều rắc rối trong việc giữ lúa cho dân, như thất thoát, chuột cắn, giảm chất lượng, sai số về trọng lượng cân vào cân ra, ẩm độ không đồng đều... rất khó xử lý và giải thích với xã viên.
Thực tế, thời gian qua Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) đã có nhiều đề xuất về giải pháp giảm áp lực lúa hàng hóa. Chẳng hạn, tập trung đẩy mạnh xuất khẩu gạo vào các tháng có sản lượng thu hoạch lớn. Từ đó, các doanh nghiệp chú ý khi thương thảo, ký kết hợp đồng và thời gian giao hàng phù hợp. Cân đối lượng gạo xuất khẩu hàng năm và bố trí diện tích sản xuất lúa tăng hoặc giảm cho phù hợp. Hay tổ chức hệ thống hàng xáo theo định hướng thu mua lúa xuất khẩu có chủ định, số lượng, địa điểm, thời gian, chất lượng...
Các địa phương công bố sản lượng thu hoạch, chủng loại giống và địa chỉ cần thu mua để bình ổn giá trong các tháng thu hoạch nhiều và các doanh nghiệp phải phối hợp chặt chẽ với địa phương để thu mua đúng địa chỉ cần thiết...
Th.S Lê Thanh Tùng