Không thể tin được có người con lại xuống tay hạ sát cha mẹ một cách lạnh lùng, người cha đang tâm ném con xuống đất khiến con chấn thương sọ não... Rồi mới đây là vụ xét xử người cha đang tâm đốt con, người vợ đốt chồng đến chết...
Tính chất của các vụ bạo lực gia đình ngày càng tàn khốc và gây sốc. Ai cũng thuộc lòng những câu ca dao, tục ngữ tốt đẹp: “Công cha như núi Thái Sơn/Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”, rồi “Anh em như thể tay chân” và đinh ninh “Hổ dữ không ăn thịt con”... nhưng tất cả những đạo lý đó, lại bị không ít người đạp đổ, bị “tát cạn” một cách khó tin.
Cách đây 2 năm, nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình tại Việt Nam cho thấy, 58% phụ nữ Việt Nam phải chịu bạo lực gia đình. 4/10 phụ nữ được hỏi cho biết nhận thấy gia đình không phải là nơi an toàn đối với họ. Có người phản đối quyết liệt vì cho rằng đó là bôi xấu đàn ông, rằng con số “khống”, rằng chỉ mắng chửi, tạt tai lúc nóng giận thì đâu gọi là bạo lực.
Nhưng những nhà nghiên cứu lại cho biết, nếu tất cả những người phụ nữ dám đứng lên tố cáo bạo lực gia đình, thì con số đó phải xấp xỉ 90%. Có đến 60-70% các vụ ly hôn đều do nguyên nhân bạo lực gia đình. Những đứa con chứng kiến mẹ bị hành hạ gặp nhiều vấn đề về sức khỏe như ác mộng, hành vi hung hăng và kết quả học tập kém. Và có đến 1/3 số người chồng đánh vợ có quá khứ đã chứng kiến mẹ mình bị hành hạ.
Tội ác tày đình xảy ra trong gia đình ngày hôm nay, là hệ quả của một chuỗi những ác tâm xảy ra hàng ngày mà mọi người vẫn cho là “bình thường”, là “dạy bảo nhau”. Gia đình bị xô đẩy trong “cơn bão” đời sống thị trường. Con người bị giằng xé bởi các nhu cầu cá nhân và lúng túng trong các kỹ năng sống.
Không thể phủ nhận được sự ưu việt của xã hội ngày nay. Nhiều chính sách đã đi vào cuộc sống khiến người dân no đủ hơn, trẻ được học hành, người già được vui chơi. Nhà nhà có điện sáng, xã xã có nhà văn hóa, xóa nhà mái lá, xây dựng đường làng, ngõ xóm…
Tuy nhiên, chúng ta mới chỉ đầu tư “phần cứng” mà lại thiếu cung cấp “kỹ năng mềm” - những điều giúp con người cư xử với nhau có văn hóa, thắt chặt tình thân, đề cao các giá trị tốt đẹp. Cho nên, nhiều người sống trong sung sướng mà lại không biết vừa lòng, không biết hưởng thụ.
Tuấn Kiệt