Chiều 21.8, ông Phạm Văn Đông- Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết, đã phát hiện nhóm virus H5N1 có sự khác biệt với virus gây CGC năm 2011.
Dịch cúm gia cầm tiếp tục bùng phát, lây lan mạnh nếu không kiểm soát được gia cầm nhập lậu (ảnh chụp tại chợ Hà Vỹ, Thường Tín, Hà Nội). Hữu Thông |
Dịch lây lan nhanh
Theo ông Đông, nhóm virus này tuy vẫn thuộc nhánh 2.3.2.1 (nhóm A) nhưng đã có sự khác biệt, độc lực của nhóm virus đang được các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, đánh giá. Hiện nay chưa có vaccin phù hợp với nhánh virus mới này.
Bà Hạ Thúy Hạnh- Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho rằng: “Vai trò của vaccin trong tiêm phòng CGC cần phải xem xét lại, bởi thực tế, hiệu quả của các loại vaccin ngày càng kém khi virus đã biến chủng”.
Theo đánh giá của Cục Chăn nuôi, tại thời điểm này, việc kiểm soát các loại gia cầm giống nhập lậu nhất là gà choai, vịt choai trên 1 tuần tuổi đang gặp nhiều khó khăn; có thời điểm số lượng gia cầm nhập lậu về nước ta lên tới vài trăm nghìn con mỗi tuần. Ông Nguyễn Đức Trọng- Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi nói rằng: Cần có sự phối hợp của ngành công an, công thương và chính quyền các địa phương để kiểm soát triệt để việc nhập lậu gia cầm.
Tính đến ngày 21.8, dịch CGC đã xuất hiện ở 5 tỉnh, thành là Nam Định, Ninh Bình, Hải Phòng, Hà Tĩnh và Quảng Bình. Theo nhận định của Cục Thú y, dịch CGC chủ yếu bùng phát ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Thứ trưởng Bộ NNPTNT Diệp Kỉnh Tần cho rằng: “Các phương án chống dịch đã được các địa phương triển khai khá tốt, nhưng hiệu quả chưa cao.
Hơn nữa, trên thực tế, dịch đang có chiều hướng xuất hiện và gia tăng theo trục quốc lộ từ biên giới nối vào nội địa”. Do đó, ông Tần nhấn mạnh: “Việc kiểm soát gia cầm nhập lậu trong khoảng 10 ngày trở lại đây đã được tăng cường và bước đầu có hiệu quả. Tuy nhiên, nếu không làm thường xuyên, liên tục để nhanh chóng dập dịch, có thể cuối năm chúng ta sẽ thiếu thịt và khi đó chúng ta lại phải phụ thuộc vào nguồn gia cầm nhập khẩu, trong đó thậm chí có cả gà lậu”.
Chống dịch còn máy móc
Nói về công tác phòng, chống dịch CGC trong thời gian qua, ông Diệp Kỉnh Tần cho biết: “Công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn gia cầm, gia súc hiện còn máy móc. Có tình trạng Cục Thú y phải “chờ” các địa phương công bố dịch mới cấp vaccin, thuốc khử trùng”.
Với cách làm như trên, dịch CGC sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là vào thời điểm mùa đông. “Nếu phát hiện nguy cơ có dịch cần phải cấp phát ngay vaccin, thuốc khử trùng để dập dịch và nhanh chóng tiêm phòng bao vây như vậy mới có thể dập dịch nhanh. Để dịch bùng phát, rồi đợi công bố dịch mới cáp phát vaccin, thuốc khử trùng vừa tốn công vừa tốn của mà lại dễ xảy ra nguy cơ bùng phát đại dịch rồi cứ loay hoay chống dịch cả năm” - ông Tần cho biết.
Trước diễn biến nhanh của dịch CGC, Cục Thú y vừa ban hành văn bản hướng dẫn sử dụng vaccin phòng bệnh CGC do Công ty Navetco sản xuất. Theo đó, để vaccin phòng, chống cúm gia cầm đạt hiệu quả cao, Cục Thú y yêu cầu, vaccin phải sử dụng cho gà, vịt khỏe mạnh và khi tiêm phải tiêm bắp hoặc tiêm dưới da ở vị trí 1/3 phía dưới, sau cổ. Vaccin trước khi tiêm phải được bảo quản ở 2-8 độ C, tránh ánh nắng mặt trời và sử dụng trong thời gian 12 tháng kể từ ngày sản xuất.
Ngoài biện pháp sử dụng vaccin, Bộ trưởng NNPTNT Cao Đức Phát đã yêu cầu Cục Thú y chỉ đạo quyết liệt các địa phương thực hiện công tác tiêu độc, khử trùng. Đặc biệt, tăng cường thực hiện các biện pháp kiểm soát tình trạng lây lan dịch bệnh qua hoạt động mua bán, vận chuyển gia súc, gia cầm tại biên giới. Đồng thời, xử lý nghiêm cán bộ thú y vi phạm quy định của pháp luật và quy chế công vụ.
Hữu Thông